Phát triển chuỗi liên kết thủy sản

ĐĂNG CAO 22/06/2021 09:45

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội để hàng thủy sản nước ta xuất khẩu vào thị trường châu Âu; ngược lại, hàng thủy sản của các nước cũng được “mở cửa” vào Việt Nam.

Sản xuất theo chuỗi sẽ nâng cao giá trị hải sản. Ảnh: QUANG VIỆT
Sản xuất theo chuỗi sẽ nâng cao giá trị hải sản. Ảnh: QUANG VIỆT

Xu thế tất yếu trong lựa chọn giải pháp phát triển ngành thủy sản cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng là phát triển chuỗi liên kết. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng để tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cũng phải thực hiện giải pháp đó. 

Thiếu bền vững

Từ khi cảng cá Tam Quang (Núi Thành) đi vào hoạt động, Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát (công ty con của Công ty TNHH Đại Dương Xanh, Quảng Ngãi) vừa quản lý hoạt động của cảng cá (theo hình thức đối tác công - tư) vừa trực tiếp thu mua hải sản của ngư dân để tạo chuỗi liên kết.

Theo Sở NN&PTNT, đây là chuỗi liên kết thủy sản đầu tiên của tỉnh, hình thành trên cơ sở ngư dân mua đá cây, cung ứng các yếu tố đầu vào chuyến biển từ doanh nghiệp để ra khơi sản xuất; doanh nghiệp liên kết với ngư dân, thu mua hải sản khi tàu cập bờ, bảo quản, chế biến, cung ứng ra thị trường ngoài nước.

Có thể thấy, Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát đã giữ vai trò là tác nhân quan trọng chi phối đến hoạt động của chuỗi liên kết nói chung, đến các ngư dân tham gia chuỗi giá trị hải sản nói riêng thông qua các cam kết về giá bán hàng hóa hậu cần nghề biển, giá thu mua nguyên liệu hải sản theo tín hiệu của thị trường. Đó chính là tiền đề để tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, con tôm (sản phẩm chủ lực) nhưng hiện vẫn chưa được liên kết để tạo chuỗi thủy sản. Đến nay, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh vẫn được tư thương, đầu nậu mua của nông hộ rồi bán cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hoặc bán ra thị trường nội địa qua các chợ, nhà hàng, siêu thị.

Hoạt động mua bán tự phát này khiến giá tôm thiếu ổn định, nông dân hay bị ép giá còn tôm thương phẩm thì chưa được chế biến sâu để xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Quảng Nam chưa thiết lập quan hệ hợp tác với nông dân nên phải phụ thuộc vào tư thương.

Việc thu mua này khiến doanh nghiệp chế biến khó kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu ban đầu, khó thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ - yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu thủy sản chế biến.

Tạo thêm nhiều mối liên kết

Từ thực tiễn sản xuất, chế biến, cung ứng thủy sản trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để xác lập, phát triển chuỗi liên kết thủy hải sản, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho các tác nhân tham gia chuỗi thông qua các hình thức liên kết ngang (liên kết của các thành phần cùng tham gia trong chuỗi) và liên kết dọc (liên kết theo đường đi của hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng).

Chuỗi liên kết giá trị thủy hải sản cần được tạo dựng theo chiều sâu (gia tăng giá trị sản phẩm) thay vì chiều rộng (gia tăng sản lượng để gia tăng giá trị) trên cơ sở tuân thủ các tín hiệu của thị trường. Đó là cách thức để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” tái diễn liên tục thời gian qua trước khi nghĩ đến nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị thủy hải sản toàn cầu. 

Vấn đề cốt lõi nhất của chuỗi liên kết thủy hải sản là đầu ra hàng hóa. Vì vậy, theo Sở NN&PTNT, cần tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối sản phẩm thủy hải sản, ngoài xuất khẩu cũng cần đầu tư cho các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi...

“Việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm là “mắt xích” quan trọng nhưng lại vẫn luôn là khâu yếu nhất trong chuỗi hiện nay. Chính vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tổ chức tốt hệ thống các kênh phân phối sản phẩm thủy hải sản và tạo sự đa dạng cho con đường đi đến với người tiêu dùng” - ông Ngô Tấn nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo chuỗi thủy hải sản bền vững, doanh nghiệp - đầu tàu tạo dựng chuỗi liên kết cần đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản thủy hải sản hiện đại để giảm tổn thất sau thu hoạch.

Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết cần tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình tổ đội đoàn kết và hợp lực trong hợp tác xã. Hải sản trước khi chế biến cần đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển chuỗi liên kết thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO