Phát triển nghề cá có trách nhiệm

QUANG VIỆT 13/01/2021 04:48

Nghề cá Quảng Nam đang tồn tại nhiều bất cập, bởi vậy, trong năm 2021 ngành thủy sản sẽ mạnh tay xử lý các sai phạm để phát triển nghề khai thác hải sản có trách nhiệm.

Hải sản của ngư dân Quảng Nam chưa được truy xuất nguồn gốc. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hải sản của ngư dân Quảng Nam chưa được truy xuất nguồn gốc. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu

Ngày 7.10.2020, cảng cá Tam Quang được UBND tỉnh gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, đánh dấu bước phát triển mạnh về hậu cần nghề cá. Đây là cảng cá loại 1 - đầu mối tập trung và phân phối hải sản tại khu vực miền Trung cũng như cung cấp các dịch vụ xăng dầu, ngư lưới cụ, đá cây, lương thực, thực phẩm, góp phần đưa nghề cá Quảng Nam phát triển theo chiều sâu, hiện đại, bền vững. Cảng cá này là nơi tập hợp hải sản khai thác từ các nghề cá chủ lực của tỉnh như lưới vây, lưới chụp.

Tuy vậy, trong nhiều tháng qua, cảng cá Tam Quang dù đi vào hoạt động vẫn chưa được công bố mở cảng, chưa được Bộ NN&PTNT chỉ định thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản. Đây là hạn chế lớn, bởi hải sản không được truy xuất nguồn gốc thì không có cơ hội xuất khẩu, nhất là các thị trường giàu tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Vì lẽ đó, hải sản chỉ được bán ở thị trường nội địa, giảm giá trị.

Công trình cảng cá Tam Quang được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư với sự tham gia của Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong năm 2021 này, chủ đầu tư cảng cá Tam Quang là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nói trên đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đầu tư hoàn thiện các hạng mục, quyết toán công trình, thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục mở cảng để được Bộ NN&PTNT chỉ định truy xuất nguồn gốc hải sản, phục vụ chế biến hải sản xuất khẩu, nâng cao giá trị hải sản sau khai thác.

Ông Ngô Tấn cho rằng, để khơi thông thế mạnh của nghề cá, tất yếu phải tạo chuỗi hải sản. Ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực, trình độ quản lý tốt, có trách nhiệm với xã hội để tập hợp tàu cá của các ngư dân thành đội tàu đánh bắt hải sản và chế biến ngay trên biển gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Sản phẩm chế biến đó được bảo quản tốt để xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu khi Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và châu Âu đã có hiệu lực.

Phát triển nghề cá trong bối cảnh hội nhập cần thay đổi mô hình kinh doanh. Phương án là doanh nghiệp quản lý kết hợp với đánh bắt của ngư dân. Doanh nghiệp phối hợp với ngư dân đóng tàu lớn, cung cấp vật tư, nhu yếu phẩm cho từng chuyến biển, tàu cá và ngư dân đến vùng biển dự báo có nhiều luồng cá hoạt động, tập trung đánh bắt rồi đưa hải sản đến tàu hậu cần, chế biến tại chỗ. Với cách làm như vậy, mỗi chuyến biển có thể kéo dài vài tháng, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, chủ động nguồn hải sản chế biến phục vụ thị trường xuất khẩu, thu được giá trị kinh tế lớn.

Nhiều việc phải làm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chính sự nương nhẹ của ngành chức năng đã khiến ngư dân ỷ lại, không thực hiện theo đúng Luật Thủy sản, vẫn khai thác hải sản trái quy định ở vùng biển nước bạn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương có nghề cá, trong đó có Quảng Nam phải công bố danh sách các tàu cá đánh bắt hải sản sai quy định, phạt nặng để răn đe, đưa nghề cá ổn định, đi vào nền nếp, bài bản, quy chuẩn.

Bất cập của nghề cá Quảng Nam là vẫn còn nhiều tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhiều tàu cá đã tắt thiết bị giám sát hành trình để sản xuất ở vùng biển không phải của Việt Nam, vi phạm Luật Thủy sản. Trong khi đó, Chính phủ đã có Nghị định 42, quy định các trường hợp xử phạt lên đến 1 tỷ đồng nhưng Quảng Nam vẫn chưa áp dụng xử phạt, chủ yếu chỉ nhắc nhở.

Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trước khi ra khơi. Tuy vậy, số tàu cá Quảng Nam được chứng nhận an toàn thực phẩm mới chỉ hơn 550 tàu (tỷ lệ 75%). Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam không được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm vì không đảm bảo nhiều chỉ tiêu. Đó là thiết bị làm lạnh trên tàu cá không có công suất đủ mạnh để giữ hải sản ở nhiệt độ thích hợp và ổn định. Khu vực vệ sinh của thuyền viên tàu cá liền sát với khu vực xử lý, bảo quản hải sản. Ngư dân trên tàu cá không được khám sức khỏe định kỳ, không có trang bị bảo hộ lao động phù hợp...

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, Nghị định 115 của Chính phủ đã quy định mức xử phạt 30 - 40 triệu đồng đối với tàu cá ra khơi sản xuất mà không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nên năm 2021 này, đơn vị sẽ xử phạt nghiêm, đảm bảo hải sản sau khai thác đạt chuẩn an toàn thực phẩm để chế biến, phục vụ xuất khẩu. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngành thủy sản Quảng Nam sẽ thực hiện tốt cơ chế phối hợp với lực lượng biên phòng, kiểm ngư để xử lý các trường hợp tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác. “Trong năm 2021 này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến, lúc khai thác hải sản trên biển cũng như khi tàu cá cập bến, lên cá, đảm bảo các quy định của nghề cá hiện đại, phát triển bền vững” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển nghề cá có trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO