Sốc môi trường, tôm nuôi chết hàng loạt

NGUYỄN QUANG 29/04/2022 05:14

Nắng nóng cộng với thời tiết diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay khiến tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh.

Tôm chết khiến nông hộ trên địa bàn tỉnh thua lỗ nặng nề. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Tôm chết khiến nông hộ trên địa bàn tỉnh thua lỗ nặng nề. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Nhiều nông hộ ở thôn An Trân (xã Bình Hải, Thăng Bình) như ngồi trên lửa vì tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt trong những ngày qua. Ông Lê Qua (một hộ nuôi tôm) cho biết, tôm được nuôi đã hơn 3 tháng, sắp sửa xuất bán thì bị bệnh đột ngột, lờ đờ, biếng ăn, dạt vào bờ. Thất bại sau khi xử lý bằng nhiều cách, ông Qua đành thu hoạch.

Người nuôi tôm ở thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, Thăng Bình) cũng thất bát ở vụ 1 này. Ông Phan Hới (đầu tư 3 ao nuôi có diện tích 1.600m2) cho biết, nắng nóng kéo dài khiến cho nhiệt độ trong môi trường nước nuôi tôm tăng cao. Dù đã thay nước nhưng tôm nuôi gần 3 tháng chết vì sốc nhiệt, gây thiệt hại nặng.

Ông Phạm Công Quốc - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, toàn xã đã nuôi tôm thẻ chân trắng trên 80ha từ đầu năm đến nay. Trong số đó, diện tích tôm chết là hơn 70ha. “Mong các ngành chức năng của tỉnh thanh tra, kiểm tra chất lượng con giống trên địa bàn để giúp người dân tiếp cận con giống sạch bệnh nuôi tôm. Cùng với đó, tập huấn, hướng dẫn người dân nuôi tôm đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế dịch bệnh” - ông Quốc nói.

Nông hộ cần chọn mua con giống chất lượng để có thể nuôi tôm thành công. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Nông hộ cần chọn mua con giống chất lượng để có thể nuôi tôm thành công. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh chết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 231ha, hầu hết là sốc môi trường nước do biến động thời tiết. Theo nhận định của ông Long, tôm chết hàng loạt là do nhiều nguyên nhân, gồm tôm giống chất lượng kém, quy trình nuôi tôm của nông hộ sơ sài, nguồn nước bị ô nhiễm nhưng chưa có cách xử lý đúng.

“Hướng bền vững cho nghề nuôi tôm Quảng Nam là đầu tư đồng bộ hạ tầng, xử lý nước thỏa đáng, tôm giống chất lượng, thức ăn đảm bảo, sử dụng men vi sinh thay kháng sinh, nuôi tôm 3 - 4 giai đoạn” - ông Long nói.

Theo ông Võ Văn Long, đáp ứng các yêu cầu trên ở Quảng Nam mới chỉ có vài ba mô hình. Do nguồn vốn đầu tư quá lớn, khó nhân rộng đại trà, khó lan rộng cách đầu tư bài bản, khoa học. Với tiềm lực yếu, hầu hết nông hộ nuôi tôm được chăng hay chớ, không liên kết mà mạnh ai nấy làm nên thường xuyên gặp rủi ro.

Tôm nuôi của hộ ông Lê Qua bị chết hàng loạt. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Tôm nuôi của hộ ông Lê Qua bị chết hàng loạt. Ảnh: NGUYỄN QUANG

“Để nuôi tôm ổn định, người dân cần cùng nhau tích tụ, tập trung ruộng đất, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để tiếp cận các cơ chế của tỉnh như nghị quyết 17 của HĐND tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều địa phương, các chủ thể nuôi tôm và cả thời gian dài nữa để chính sách đi vào cuộc sống” - ông Long nói.

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh thả nuôi khoảng 8.000ha tôm thẻ chân trắng. Hầu hết các vùng nuôi tôm không có kênh cấp, kênh thoát nước, không có thủy lợi cho từng khu vực, người nuôi tôm không đầu tư ao lắng để xử lý nước, lại xả thải bừa bãi nên nguồn bệnh khi phát tán lây lan trên diện rộng.

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho rằng, nông hộ cần áp dụng giải pháp trước mắt là chủ động ứng phó khi mùa nắng nóng đã đến.

Theo đó, người nuôi tôm cần chọn thời điểm lấy nước, thay nước thích hợp; chú trọng chăm sóc, quản lý tôm nuôi; thường xuyên nâng cao mực nước để ổn định môi trường, tránh sốc cho tôm; khi phát hiện thay đổi bất thường ở tôm thì thông báo để cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý kịp thời. Đặc biệt, khi tôm chết, nông hộ không nên xả thải mà xử lý bằng Chlorin để triệt tiêu mầm bệnh.

Tôm chết có phải chỉ do tôm giống kém chất lượng?

Nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Thăng Bình cho rằng, tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt có nguyên nhân chính là con giống được lấy từ Công ty Việt Úc.

Ông Trần Quảng Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, Công ty Việt Úc có thị phần lớn nhất về tôm giống ở Quảng Nam với hơn 60%. Các lô tôm giống của doanh nghiệp này vận chuyển vào Quảng Nam bán cho nông hộ đều có kiểm dịch.

Chi cục Thủy sản đã phối hợp với thanh tra Sở NN&PTNT đã làm việc tại cơ sở. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm không có sổ ghi chép về môi trường, quản lý, chăm sóc tôm nuôi... nên không có cơ sở để nhận định tôm nuôi chết hàng loạt có phải do tôm giống hay không.

Do đây là quan hệ thương mại của người dân với doanh nghiệp nên ngành thủy sản đề ra hướng giải quyết là mời Công ty Việt Úc đối thoại với người nuôi về quy trình, cách chăm sóc, nguyên nhân tôm bị bệnh, giải đáp cho nông hộ, đồng thời có hỗ trợ thiết thực cho người nuôi tôm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sốc môi trường, tôm nuôi chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO