Thêm hướng đi cho nghề nuôi thủy sản

NGUYỄN QUANG 07/01/2022 11:17

Mô hình nuôi cá thát lát cườm gắn với chế biến ở Bắc Trà My và Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, kỳ vọng mở ra hướng sản xuất mới phù hợp cho nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Mô hình nuôi cá thát lát cườm ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 của HTX Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Mô hình nuôi cá thát lát cườm ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 của HTX Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Thành công bước đầu

Tận dụng tiềm năng, ưu thế của lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, nhiều hộ dân ở các xã Trà Tân, Trà Đốc, Trà Sơn (Bắc Trà My) đầu tư lồng bè nuôi cá mè, rô phi, điêu hồng, trắm cỏ...

Điều kiện nuôi thuận lợi, nhưng người nuôi gặp phải khó khăn trong giải quyết đầu ra sản phẩm. Để khắc phục tình trạng mạnh ai nấy tìm mối bán sản phẩm, từ năm 2018 ông Trần Văn Mạo (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn) đã vận động các hộ nuôi cá lồng bè thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My.

Ông Mạo chia sẻ, HTX tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng cũng chỉ theo cách bán thông thường cho thương lái, chưa thể liên kết được với các doanh nghiệp để ổn định bao tiêu thủy sản nuôi đến kỳ thu hoạch, giá trị kinh tế thu được chưa đạt kỳ vọng.

Năm 2019, thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam hỗ trợ HTX Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My 3.000 con giống cá thát lát cườm cùng vật tư để nuôi trong 8 lồng bè.

Sau gần một năm, HTX xã thu hoạch 2 tấn cá, được kiểm định kỹ thuật nuôi đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm, đầu ra đảm bảo. Nhận thấy thịt cá thát lát cườm thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên HTX Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My đầu tư máy làm chả cá, đóng gói, gắn bao bì đăng ký tham gia chương trình OCOP ở địa phương.

“Sản phẩm chả cá thát lát cườm đã được chứng nhận hạng 3 sao OCOP, được các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại cam kết tiêu thụ lâu dài. Chả cá thát lát cườm của HTX đang được bán trên thị trường với giá 250 nghìn đồng/kg. Chúng tôi sẽ tăng quy mô nuôi cá thát lát cườm cộng thêm các đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao như cá leo, cá chình, cá nheo gắn với chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất” - ông Mạo nói.

Nhân rộng mô hình

Ông Phan Xuân Đi - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My cho biết, để được chứng nhận chả cá thát lát cườm là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, HTX Nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My đã đầu tư bài bản như tạo nguồn nguyên liệu sạch với con giống sạch, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chặt nguồn nước, khống chế dịch bệnh. Sản phẩm chả cá thát lát cườm được chế biến khép kín, an toàn, nhãn mác bắt mắt.

Bà Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam chia sẻ, qua khảo sát mô hình nuôi cá thát lát cườm ở Bắc Trà My cho thấy giống cá này sinh trưởng, phát triển ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Khi được ngành khuyến nông tập huấn, phổ biến kỹ thuật, các hộ nuôi vận dụng tốt. Qua khảo sát các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều cơ sở để nhân rộng nuôi cá thát lát cườm gắn với chế biến nhằm nâng cao giá trị kinh tế.

“Mô hình nuôi cá thát lát cườm gắn với chế biến ở Bắc Trà My đã mở ra hướng sản xuất mới phù hợp, giúp người nuôi mạnh dạn đầu tư phát triển. Ngành chức năng sẽ nhân rộng ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi về diện tích sông, hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trong những năm đến” - bà Thủy nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ thực tiễn nuôi cá thát lát cườm gắn với chế biến ở huyện Bắc Trà My, ngành nông nghiệp sẽ quan tâm hơn đến nguồn nước, quy hoạch các vùng nuôi cá lồng bè tập trung, đề xuất UBND tỉnh có chơ chế hỗ trợ vay vốn giúp các nông hộ đầu tư lớn cho nuôi cá thát lát cườm nói riêng, nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản mới nói chung.

“Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần tiếp tục hỗ trợ địa phương xây dựng các mô hình nuôi cá lồng bè mới gắn với đào tạo kỹ thuật, giúp người dân đầu tư theo hướng nuôi an toàn, sạch bệnh, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm” - ông Nguyễn Xuân Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm hướng đi cho nghề nuôi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO