Tiếp sức ngư dân vươn khơi, bám biển

VIỆT NGUYỄN 26/05/2022 07:56

Trước yêu cầu vô căn cứ của Trung Quốc liên quan đến việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, ngư dân Quảng Nam vẫn kiên cường bám biển, đoàn kết vươn khơi.

Ngư dân Võ Công Thảo kiểm tra lại hệ thống điện mặt trời trên tàu cá sau chuyến biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân Võ Công Thảo kiểm tra lại hệ thống điện mặt trời trên tàu cá sau chuyến biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sau khi Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc thực hiện tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ ngày 1.5 - 16.8.2022 đối với toàn bộ nghề (trừ nghề câu) trên các vùng biển, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT, Hội Nghề cá tỉnh và các địa phương ven biển thông báo cho ngư dân tham gia khai thác hải sản trên biển biết, và khẳng định việc Trung Quốc thực hiện tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông là không có giá trị.

Vượt khó vươn khơi

Toàn tỉnh hiện có 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia; trong đó có 516 tàu cá công suất từ 90CV trở lên với 6.240 lao động tham gia. Tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển tập trung theo nhóm nghề sản xuất xa bờ, nhiều nhất là nghề lưới vây (60 tổ), nghề câu mực khơi (30 tổ), chụp mực (16 tổ) và lưới rê (10 tổ). Đây là mô hình tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, giúp ngư dân sản xuất an toàn và vượt qua “phong tỏa” vô lý của phía Trung Quốc ở các vùng biển xa.

Tàu cá QNa-90170 hành nghề lưới vây của ngư dân Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) vừa cập cảng cá Tam Quang (Núi Thành) bán hải sản. Chuyến biển đạt kết quả tốt nên chủ tàu và 12 bạn biển rất phấn khởi. Ngư dân Phan Tin (thôn Đông Tuần) - bạn biển lâu năm của ông Thảo cho biết, có mặt các loại tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc nhưng ngư dân không hề nao núng khi khai thác trên biển Hoàng Sa.

“Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân chúng ta. Tôi gắn bó với nghề khai thác hải sản trên biển Hoàng Sa mấy chục năm nay. Trung Quốc cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông là vô lý, chúng tôi đã nhiều lần phản đối và sẽ bám biển vì sinh kế, góp sức giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Tin nói.

Ông Võ Công Thảo cho biết, chuyến biển vừa qua rất suôn sẻ, thời gian chỉ diễn ra trong vòng 7 ngày, thu được 20 tấn, chủ yếu là cá ngừ, cá nục, bán được gần 700 triệu đồng, trừ chi phí, chủ tàu thu được hơn 250 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 20 triệu đồng.

Ông Thảo khẳng định, biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nên lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ban hành là ngang ngược, vô lý. Tàu của ông sẽ tiếp nhiên liệu, thu mua nhu yếu phẩm để vươn khơi, đánh bắt hải sản trong những ngày sắp tới.

Nhiều ngư dân Quảng Nam cho biết, khi ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, các tàu của Trung Quốc ngang ngược cản phá, xua đuổi, không cho tàu cá Quảng Nam sản xuất; thậm chí tàu Trung Quốc tấn công, phun vòi rồng với các tàu đơn lẻ của ngư dân Quảng Nam. Để ứng phó, ngư dân Quảng Nam vươn khơi sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết trên biển.

Ngư dân Trần Sinh (thôn Đông Tuần) - chủ tàu cá QNa-91270 đang kết hợp với ngư dân Võ Công Thảo hình thành tổ đoàn kết số 2. Ông Sinh kể lại sự việc trước đây, tàu cá QNa-91865 của ông bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắn làm hỏng mũi tàu, ca bin và nhiều thiết bị, máy móc.

Sau khi về bờ, gia cố, sửa chữa không đạt, ông Sinh phải bán tàu, vay mượn để đóng tàu cá QNa-91270 tiếp tục theo nghiệp biển. Theo ông Sinh, tàu Trung Quốc thấy tàu đơn lẻ thì tấn công chứ thấy các tàu đánh bắt theo tổ đội thì bỏ đi. Đoàn kết giúp ngư dân bám biển an toàn, khai thác đạt sản lượng cao.

Đồng hành, tiếp sức

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cứ đến tháng 5 là Trung Quốc đơn phương cấm biển. Ngành nông nghiệp khuyến khích ngư dân kiên tâm bám biển, các tàu cá nương tựa vào nhau để ra khơi sản xuất.

Ngư dân Quảng Nam chuẩn bị ra khơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân Quảng Nam chuẩn bị ra khơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Để hỗ trợ ngư dân bám biển, ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai chính sách hỗ trợ dầu giúp ngư dân trang trải chi phí chuyến biển. Công tác dự báo ngư trường cũng được thường xuyên cung cấp giúp ngư dân chủ động sản xuất.

“Chúng tôi phối hợp với hội nghề cá, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam thăm hỏi, chia sẻ tâm tư, động viên, khuyến khích, hỗ trợ để tiếp sức ngư dân bám biển” - ông Ngô Tấn nói.

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không có giá trị nên hiện nay các địa phương có nghề cá đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân bám biển, tận dụng ưu thế của vụ sản xuất chính.

Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa Đại, huy động các hội, đoàn thể khuyến khích ngư dân kiên tâm bám biển ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Qua nắm bắt, nhận thấy chủ các tàu xa bờ trên địa bàn vẫn năng động bám biển và thu được sản lượng khá.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho hay, nhờ chủ động khai thác hải sản xa bờ nên sản lượng ngư dân đánh bắt được trong tháng 5 đạt hơn 10 nghìn tấn, tăng khá cao so với cùng kỳ. Hiện nay, các tàu cá sản xuất xa bờ đều lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh GPS nên ngành thủy sản nắm rõ tọa độ, cảnh báo, hướng dẫn các tàu cá tránh va chạm với tàu Trung Quốc.

“Chúng tôi quản lý chặt tàu cá sản xuất trên các vùng biển xa, giúp ngư dân đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Nếu có tình huống xấu phát sinh, chúng tôi sẽ khẩn trương báo cáo, thông tin kịp thời đến Bộ NN&PTNT để có hướng xử lý thỏa đáng” - ông Long nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp sức ngư dân vươn khơi, bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO