Vươn khơi mùa biển động

VIỆT NGUYỄN 22/10/2020 06:05

Với đặc thù bám biển quanh năm, mùa biển động, ngư dân vẫn vươn khơi sản xuất. Sẵn sàng ứng phó với các tình huống thất thường trên biển là tâm thế của ngư dân.

Ngư dân chuẩn bị vươn khơi trong mùa biển động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân chuẩn bị vươn khơi trong mùa biển động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Kiên tâm bám biển

Đến xã Bình Dương (Thăng Bình) vào những ngày này, hỏi thăm về nghề khai thác hải sản xa bờ, mọi người đều bảo, hiếm lắm, chỉ còn mỗi ngư dân Bùi Thảo ở thôn Duy Hà - chủ tàu lưới chụp QNa95456 có công suất 715CV. Anh Thảo bảo, bão, áp thấp nhiệt đới liên tục trong những ngày qua khiến anh đứng ngồi không yên. Cái nghiệp biển đeo đẳng, chưa đi biển được là bứt rứt trong người. “Biển lặng trở lại là tôi và 15 bạn biển lại ra khơi, đánh bắt hải sản xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa. Ai cũng nhớ biển, vả lại sinh kế cũng thôi thúc” - anh Thảo nói.

Trên tàu cá QNa-95456, anh Thảo lắp đặt đầy đủ máy liên lạc tầm ngắn, tầm trung và Icom tầm xa để liên lạc với các tàu cá cùng ngư trường cũng như liên hệ về trạm bờ. Trước đây, trong đội đoàn kết sản xuất trên biển thôn Duy Hà có 4 thành viên, nhưng nay chỉ còn mình anh Thảo nên ở mỗi chuyến biển, anh đều chủ động liên lạc, kết bạn với các tàu cá cùng ngư trường để có thể hỗ trợ lẫn nhau nếu không may có sự cố bất ngờ.

Theo anh Thảo, trước khi đi biển, luôn cập nhật các bản tin dự báo thời tiết trong vòng 10 - 15 ngày rồi mới đi biển. Khi sản xuất, radio luôn hoạt động 24/24h để kết nối với kênh dự báo thời tiết của các đài duyên hải. Máy móc, thiết bị, trên tàu đều đảm bảo để chống chọi với khắc nghiệt của thời tiết. Mùa này, dông lốc thất thường lắm, phải cẩn trọng đề phòng và sẵn sàng ứng phó.

Hiện tại, dù biển động dữ dội, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 30 tàu câu mực đang hoạt động ở vùng biển Trường Sa. Ông Trần Công Đạo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh (Thăng Bình) cho biết, hiện cả 22 tàu câu mực của ngư dân trên địa bàn đều ở trên biển. Với đặc thù mỗi chuyến biển của nghề câu mực khơi kéo dài chừng 3 tháng nên các chủ tàu câu mực đã ra khơi trước các đợt bão, áp thấp nhiệt đới hoành hành. Theo ngành chức năng, vào thời điểm này, hầu hết tàu câu mực khơi đều neo đậu tránh trú bão ở các âu thuyền thuộc quần đảo Trường Sa.

Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) cho biết, ngoài hơn 10 tàu câu mực khơi đã về bờ an toàn đang tạm neo đậu ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, vẫn còn hơn 10 tàu câu mực khơi của ngư dân địa phương hoạt động ở vùng biển Trường Sa. Trong số các nghề khai thác hải sản xa bờ, câu mực khơi là nghề vất vả nhất.

Kiểm soát chặt tàu khi xuất bến

Mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Cụ thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng ngư dân trong khai thác hải sản xa bờ kết hợp bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Qua mô hình này, ngành chức năng tập huấn cho các ngư dân về luật pháp quốc tế, kiến thức phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Qua tổ đoàn kết, các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân phát huy như hỗ trợ phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hầm bảo quản hải sản, máy dò cá...

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi sản xuất trên biển, trong thời gian qua, ngành phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng, trạm kiểm soát biên phòng tổ chức kiểm tra chặt chẽ tàu cá trước khi xuất bến. Chủ tàu hoặc thuyền trưởng khi ra khơi phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, gồm giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác hải sản, sổ nhật ký khai thác, sổ danh bạ thuyền viên, áo phao các loại và nhất là các bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Tính từ ngày 1.10 đến nay, tất cả tàu cá của tỉnh khi xuất bến vươn khơi đều đảm bảo các quy định.

Bà Tâm cho biết, đến nay trạm bờ được nâng cấp và bảo dưỡng thường xuyên nên đảm bảo thông suốt tuyệt đối thông tin, liên lạc của các tàu cá đang đánh bắt hải sản xa bờ gửi về. Trong mùa biển động này, ngành thủy sản bố trí cán bộ, theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của tàu cá tỉnh trên các vùng biển xa để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng tránh trú, ứng phó các tình huống khẩn cấp, diễn biến thất thường của thời tiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vươn khơi mùa biển động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO