Xuất khẩu thủy sản gặp khó

VIỆT NGUYỄN 24/08/2021 06:47

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lại thêm “thẻ vàng” thủy sản khiến ngành chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).

Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gặp khó do thiếu nguyên liệu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gặp khó do thiếu nguyên liệu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thiếu nguyên liệu

Ông Phạm Hoài Nhơn - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Mai Kỳ Hà (thôn Mỹ Bình, xã Tam Hiệp, Núi Thành) cho biết, các đơn hàng mua nguyên liệu ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng về để chế biến, xuất khẩu đều gặp khó.

Trong đó, việc vận chuyển nguyên liệu từ Quảng Ngãi về bị ách tắc thường xuyên khiến chi phí phát sinh cao; hàng hóa ở Đà Nẵng không thể về Quảng Nam. Đã mấy tháng qua, do không đủ nguyên liệu để chế biến thủy sản nên không đủ hàng cung cấp theo ký kết, thỏa thuận với đối tác.

Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Mai Kỳ Hà chuyên chế biến cá cam, cá ngừ, cá nục, cá bánh lái và tôm để xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan. Theo ông Nhơn, làm ăn với các doanh nghiệp lớn, nhất là đối tác ở nước ngoài rất khắt khe về các quy định. Nếu chậm trễ giao hàng là bị trả, thậm chí đòi bồi thường thiệt hại.

Theo ông Đoàn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát (xã Tam Quang, Núi Thành), khi không bị tác động của đại dịch Covid-19, mỗi ngày có thể chế biến 30 tấn hải sản các loại rồi cấp đông, đóng gói, đóng hộp để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Do dịch bệnh nên năng suất sản xuất giảm mạnh, chỉ còn 1/3. Doanh nghiệp gặp khó khăn là không thể thu gom đủ nguyên liệu để chế biến bởi nguồn cung chủ yếu từ Đà Nẵng và các tỉnh, thành phía Nam.

“Trước đây lo đầu ra khó nhưng nay khi đã có thị trường thì doanh nghiệp lại lo không đủ hàng cung cấp, bị hủy đơn hàng. Do giảm quy mô chế biến hải sản nên số lao động của doanh nghiệp cũng phải giảm theo, vì thế chúng tôi lo thiếu lao động khi sau này ổn định dịch bệnh, tăng quy mô sản xuất trở lại” - ông Vinh nói.

Rào cản “thẻ vàng”

Mới đây, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố chi tiết những tác động đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sau khi bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản từ năm 2017.

Theo VASEP, trong năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của “thẻ vàng”, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm 6%. Đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12% so với năm 2018. Năm 2020, tác động kép từ thẻ vàng IUU và dịch Covid-19 khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU giảm 6%.

Ông Đoàn Tấn Vinh cho biết, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào thị trường EU vì giàu tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh lớn, giảm thuế nên thu lợi nhuận cao. Đến nay, doanh nghiệp đã có đầy đủ các chứng chỉ, chứng nhận, quy định kỹ thuật, công nghệ để đưa hàng thủy sản xuất khẩu vào EU.

“Tính toán làm ăn lớn hơn khi đại dịch được kiểm soát, chúng tôi đã xúc tiến mọi công đoạn xuất khẩu thủy sản sang EU. Vậy nhưng rào cản khó vượt qua là “thẻ vàng” thủy sản chưa gỡ bỏ nên đối tác kiểm tra nghiêm ngặt, yêu cầu gắt gao về an toàn thực phẩm, chưa rộng mở con đường xuất khẩu thủy sản vào các nước EU” - ông Vinh nói.

Ông Phạm Hoài Nhơn đề xuất, trong lúc chờ các chợ đầu mối ở Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam đủ điều kiện hoạt động trở lại, các ngành chức năng cần xem xét tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển hàng nguyên liệu thủy sản giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành để việc lưu thông được thông suốt, thuận lợi cho chế biến thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp phát triển ngành thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN&PTN Trần Thanh Nam yêu cầu ngành nông nghiệp các tỉnh, thành cần sâu sát, thường xuyên nắm bắt những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện song song 2 mục tiêu kiểm soát dịch và duy trì sản xuất, động viên doanh nghiệp hoạt động sản xuất, đảm bảo vận hành chuỗi thủy sản liên tục.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, sẽ thường xuyên kết nối, ghi nhận những khó khăn về vận chuyển nguyên liệu cũng như chi phí tăng lên trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, qua đó phối hợp với Sở NN&PTNT khơi thông vận chuyển hàng hóa và tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuất khẩu thủy sản gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO