Gần 20 năm gắn bó với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, đam mê truyền tải mạch nguồn và tinh hoa văn hóa Chăm đến với du khách đã trở thành một phần cuộc sống của thuyết minh viên Lê Xuân Tiến.
Trước khi gặp người đàn ông này, chúng tôi đã hết sức tò mò khi những du khách đến Mỹ Sơn đều truyền tai nhau về một thuyết minh viên nhất định phải gặp là anh Lê Xuân Tiến. Sau non một ngày cùng anh rong ruổi khắp miền ký ức của một nền văn hóa Chăm cổ đầy huyền bí, chúng tôi đã hiểu vì sao rất nhiều du khách đến đây đều yêu cầu anh Lê Xuân Tiến làm người thuyết minh. Cảm giác khi được nghe anh giới thiệu về những ngôi đền tháp Mỹ Sơn rất lạ và mới mẻ. Bởi không phải là thứ kiến thức ngồn ngộn dễ gặp trên sách báo về Mỹ Sơn huyền bí mà chính là những mẩu chuyện, là đời sống của từng viên gạch được anh trải nghiệm, cóp nhặt trong quãng thời gian gắn bó với Mỹ Sơn.
Thuyết minh viên Lê Xuân Tiến đem tình yêu với văn hóa Chăm, với Mỹ Sơn, đến du khách. Ảnh: ANH THƯ |
Cách đây 50 năm, cậu bé Lê Xuân Tiến từ mảnh đất Duy Phú này ra đi. Suốt thời gian bôn ba khắp miền đất nước, không hiểu là tình cờ hay hữu duyên mà anh đã bồi đắp cho mình những kiến thức về nền văn hóa độc đáo này từ những năm tháng chung sống với đồng bào Chăm mà anh vẫn hay nói vui, đó là thời gian anh tự “Chăm hóa” mình. Có người bảo rằng Mỹ Sơn gọi anh về nhưng riêng chúng tôi cho rằng anh và Mỹ Sơn có một mối nhân duyên sâu đậm. Phải có duyên mới có thể gặp gỡ, gắn bó sau bao nhiêu năm xa cách và phải có duyên mới hiểu nhau sâu sắc đến vậy.
Thi đại học với chuyên ngành kinh tế, nhưng lại ra trường với tấm bằng cử nhân xây dựng. Hai chuyên ngành ấy chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại của anh. Và chính anh cũng thú thật chọn công việc này như một giải pháp tạm thời, nghĩ là vài ba tháng nhưng rồi cứ lần lữa mãi, cho đến một ngày anh nhận ra mình say tinh hoa văn hóa Chăm và say cả nghề thuyết minh. “Nếu ai đó nói rằng làm công việc cần phải say mê thì tôi xin dùng chữ mê, vì mê nên tôi lao vào tìm hiểu... Mỹ Sơn hư hao rồi nên những gì còn lại thì cần phải hiểu, phải gìn giữ. Nếu không mê, những ham muốn vật chất đời thường đã kéo tôi văng ra khỏi vùng văn hóa Chăm kỳ thú từ lâu rồi” - anh Lê Xuân Tiến, nói.
Không được đào tạo bài bản, điều kiện làm việc ở Mỹ Sơn vào những ngày tháng đầu vô cùng vất vả nhưng anh không nản. Bắt đầu hệ thống lại những kiến thức thực tế về văn hóa Chăm, cộng với việc tìm đọc những cuốn sách về triết học Ấn Độ và cả đạo Hindu. Khi kiến thức đã tương đối vững, anh bắt đầu so sánh giữa lý thuyết và thực tiễn. Không nhớ bao nhiêu lần đứng hàng giờ đồng hồ trước những ngôi đền tháp cổ, quanh đi quẩn lại với những kiến trúc tưởng chỉ là đống gạch vỡ; anh quyết tìm cho ra những thông điệp mà người xưa gửi gắm.
Mỗi du khách đến Mỹ Sơn đều được anh chia sẻ một vài bài học cuộc sống mà người Chăm đã thể hiện trên các kiến trúc ở đây. Anh chỉ cho chúng tôi thấy ở tất cả ngôi đền tháp đều có một vài chi tiết được xây dựng chưa hoàn chỉnh, tưởng chừng như còn đang bỏ dở nhưng thật ra đó là thông điệp về sự không tuyệt đối của cuộc sống của người Chăm muốn thể hiện trên các kiến trúc của họ. Và để tìm ra ý nghĩa này, anh đã mất không ít thời gian và công sức.
Nếu ai đó đến Mỹ Sơn và một lần gặp gỡ anh Lê Xuân Tiến và rồi quay lại, chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi những điều hôm nay được nghe về Mỹ Sơn lại khác với những gì được nghe trước đó. “Mỗi khi bạn đến Mỹ Sơn, tôi nhất định sẽ có một điều mới mẻ dành cho bạn” - anh Tiến nói.
Chính khối lượng kiến thức lớn cùng với lối diễn đạt hóm hỉnh, cách dẫn dắt câu chuyện đầy thú vị khiến du khách không chỉ thích thú mà còn bị ấn tượng mạnh, dễ ghi nhớ những cái hay, độc đáo của văn hóa Chăm và mong muốn quay lại. Nếu bảo anh Lê Xuân Tiến mê cái nghề thuyết minh viên một thì chắc chắn anh phải say Mỹ Sơn đến mười. Và tôi cứ nhớ lời ông Nguyễn Công Khiết – Phó ban Quản lý Khu du lịch và di tích Mỹ Sơn, nếu Mỹ Sơn hay Hội An có được những hướng dẫn viên như anh Tiến thì không quá khó để kéo chân du khách trở về thêm nhiều lần nữa…
THỤC ANH - ANH THƯ