(QNO) - Kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh (Khóa X) tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phiên chất vấn và trả lời chất vấn khá sôi nổi. Trong đó, lĩnh vực đào tạo lao động, giải quyết việc làm thu hút sự quan tâm của các đại biểu.
Tập trung giải quyết việc làm
Phiên chất vấn đối với lĩnh vực đào tạo LĐ, giải quyết việc làm mở đầu bằng những nội dung thực hiện các nhiệm vụ này của ngành LĐ-TB&XH. Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã trình bày một số vấn đề được đại biểu quan tâm.
Đánh giá công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người LĐ sau đại dịch Covid-19, giải pháp phát triển thị trường LĐ và hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau đại dịch Covid-19, bà Lộc cho biết cơ quan liên quan thường xuyên nắm thông tin về nhu cầu tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn để tổ chức các hoạt động tư vấn, dào tạo nghề, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu LĐ.
Các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu LĐ, cung ứng, tuyển dụng LĐ cho doanh nghiệp; đồng thời ban hành nhiều văn bản thông tin, thông báo về nhu cầu tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng LĐ với số lượng lớn đến các địa phương để thông báo cho người LĐ.
Tính đến ngày 30/11, toàn tỉnh có 965 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 96,5% kế hoạch năm); tổng chỉ tiêu tuyển mới các trình độ giáo dục nghề nghiệp là: 23.281 người, đạt 99,07% kế hoạch; Tổng số lao động được tạo việc làm tăng thêm năm 2022 là 15.000 người (đạt 93,75% kế hoạch năm).
Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Diệu - Phó Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã đặt vấn đề với ngành LĐ-TB&X về giải pháp nâng chất lượng sau phân luồng để đào tạo nghề bền vững. Có tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó GĐ Sở Ngoại vụ thì quan tâm đến việc đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt thị trường Hàn Quốc nhu cầu về LĐ thời vụ rất lớn. Nhưng LĐ thời vụ của tỉnh chất lượng thấp, ngoại ngữ hạn chế nên nội dung này vẫn chưa triển khai được. Bà Trang đặt vấn đề tại sao nội dung này chưa được triển khai, có gặp khó khăn gì, giải pháp nào để đẩy mạnh trong thời gian đến?
Với các nội dung trên, bà Trương Thị Lộc đã trả lời đại biểu, rằng các trường đào tạo và đã liên kết với doanh nghiệp để đưa học sinh vào học, vào thực tập và ký cam kết sau đào tạo tiếp nhận LĐ sau đào tạo. Việc đặt hàng giữa nhà trường và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay đang thực hiện, được các cơ sở đào tạo nghề quan tâm. Thời gian tới sẽ tham mưu một chương trình vừa đào tạo nghề vừa đào tạo văn hóa trong trường nghề. Sở LĐ-TB&XH đã dự thảo chính sách, còn phụ thuộc các cơ quan, sở ngành và UBND, HĐND xem xét.
Đối với LĐ thời vụ, sau dịch bệnh thì hiện nay người LĐ đang có sự quan tâm đến lĩnh vực này. Các địa phương trong tỉnh có thỏa thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc, ví dụ như huyện Nam Trà My đã đưa được 23 LĐ sang Hamyang làm việc thời vụ. Vấn đề chất lượng hay ngoại ngữ có thể đào tạo được, nhưng khó nhất là vấn đề vay vốn. Do đi làm việc thời vụ ở nước ngoài gần đây mới phát sinh chưa có quy định về việc vay vốn đi làm việc thời vụ. Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu hướng dẫn cho các địa phương thực hiện. Sở LĐ-TB&XH thì đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh có cơ chế ủy thác vốn vay để nhóm LĐ đi làm việc thời vụ được vay vốn để đi làm việc thời vụ ở nước ngoài, vì đây cũng là kênh giải quyết việc làm hiệu quả.