(QNO) – Sáng nay 27/4, tại huyện Duy Xuyên, UBND tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Tham dự lễ có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương cùng hàng trăm đại diện doanh nghiệp, công nhân lao động.
Nhiều vụ tai nạn lao động
Theo thống kê, năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 274 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 277 người bị nạn. Trong đó, có 4 người chết, 20 người bị thương nặng. Trong số 274 vụ TNLĐ, có 32 vụ do lỗi của người sử dụng lao động, 157 vụ do lỗi của người lao động, 85 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh.
Các vụ TNLĐ xảy ra đa số trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và các ngành nghề khác.
Theo đánh giá của ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân gây ra 274 vụ TNLĐ trong năm 2022. Trong đó, có 14 vụ do không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; 5 vụ do người lao động chưa được huấn luyện an toàn lao động; 8 vụ do tổ chức lao động chưa hợp lý; 157 vụ do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn; 3 vụ do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; 2 vụ do điều kiện làm việc không tốt; 3 vụ do không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; 85 vụ do những nguyên nhân khác.
Ngoài số vụ TNLĐ nêu trên, trong năm ngoái, ngành y tế khám và phát hiện 13 người bị mắc bệnh nghề nghiệp suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên. Đa số mắc bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh điếc nghề nghiệp. Số người mắc bệnh nghề nghiệp làm trong các ngành nghề như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhìn nhận, tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tai nạn cháy nổ trên địa bàn Quảng Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, nhất là đối với những cơ sở không thực sự làm tốt công tác phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tai nạn cháy nổ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, thực tế cho thấy có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động hằng năm; kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; kế hoạch tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động.
Cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không thành lập tổ chức hoặc phân công người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; không đo, kiểm môi trường lao động; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; kiểm định chưa đầy đủ hoặc kiểm định không đúng định kỳ các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Nhiều doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ và không khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng của nhà nước phối hợp chưa đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chưa tập trung mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở, ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tai nạn cháy nổ...
Nỗ lực hành động
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị thời gian tới các sở ban ngành, cơ quan, tổ chức thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức rà soát, đánh giá sát đúng tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Từ đó, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, làng nghề, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, qua đó hướng dẫn pháp luật và xử lý kiên quyết đối với những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh cần rà soát những công việc đã làm trong việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Những việc đã làm tốt thì phát huy để làm tốt hơn trong thời gian tới; những việc chưa làm hoặc làm chưa đúng quy định, vi phạm quy định thì phải có kế hoạch cụ thể để thực hiện cho đúng quy định, không để kéo dài...