Tích cực ngăn Covid-19 vào khu công nghiệp

D.LỆ - X.HIỀN - Q.TUẤN 08/08/2020 05:07

Đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần này đã bắt đầu tấn công vào nhà máy ở khu công nghiệp (KCN) của tỉnh. Các doanh nghiệp (DN), Ban quản lý các KCN cũng như các địa phương và bản thân mỗi công nhân (CN) luôn đặt sự cảnh giác cao độ, không chủ quan với mọi tình huống.

Các doanh nghiệp may mặc đang cố gắng giãn khoảng cách làm việc đảm bảo từ 1,5 - 2m để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: D.L
Các doanh nghiệp may mặc đang cố gắng giãn khoảng cách làm việc đảm bảo từ 1,5 - 2m để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: D.L

LO LẮNG VÀ CẢNH GIÁC

Kể từ khi có ca bệnh đầu tiên xuất hiện (là quản đốc của Công ty giày Rieker), công nhân (CN) cũng như DN trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) trở nên lo lắng và càng nâng cao mức cảnh giác với Covid-19. 

Vừa tan ca làm, chị Trịnh Thị Lan (CN may ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc) vội vàng lấy xe, rồi vội vã tách khỏi đám đông để ra về. Chị Lan nói rằng tự dưng giờ đứng giữa đám đông chị thấy sợ, kể từ lúc nghe tin về ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện trong KCN.

Chị Lan nói: “Tất cả mọi người đều lo lắng, bởi đi làm thế này lúc vào ca cũng như ra ca đều tập trung rất đông đúc. Mặc dù ai cũng tự ý thức đeo khẩu trang, vào công ty đã rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt từ ngoài cổng, nhưng cảm giác vẫn cứ sợ. Bệnh này đâu có chừa ai, rồi lây bệnh lúc nào cũng không hay không biết. Thế nên chúng tôi cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang liên tục, rửa tay sát khuẩn, không tập trung nói chuyện, việc ai nấy làm, hạn chế tiếp xúc với nhau”. 

Tại cuộc làm việc giữa Bộ Y tế và UBND tỉnh hôm 3.8, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu UBND tỉnh làm việc cùng các Sở Công Thương, Sở LĐTB&XH thành lập các đoàn kiểm tra đến từng cụm, KCN cũng như các nhà máy, xưởng sản xuất trên địa bàn. Tất cả DN buộc phải thực hiện các giải pháp giãn cách, an toàn ở mức nghiêm ngặt nhất, từ việc tạo không gian nhất định giữa CN, triển khai các vách ngăn an toàn cho đến trang bị các dụng cụ bảo hộ y tế… Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, UBND tỉnh phải tính đến chuyện đóng cửa bất cứ nhà máy, phân xưởng nào không thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu về an toàn lao động và các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh từ ngành y tế.

Theo anh Thái Văn Hòe (CN cơ khí ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc), vợ chồng anh phòng dịch bệnh bằng cách tạm sống theo “quy trình nghiêm ngặt”. Mỗi sáng, vợ anh dậy nấu cơm cho cả nhà cùng ăn, rồi vợ chồng anh từ nhà lên công ty mà không ghé bất cứ đâu. Vào công ty, sau các khâu kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn, anh Hòe đến bộ phận của anh và làm việc.

“Đi làm, tôi hạn chế tiếp xúc, nói chuyện với mọi người, luôn đeo khẩu trang. Đến giờ ăn vì mỗi người có mỗi khay nên tôi chọn bàn chưa có người ngồi rồi ngồi ăn nhanh, xong đứng lên về lại xưởng. Công ty cho ăn giãn ra theo từng chuyền, nên mọi người ngồi không gần nhau, lúc ăn không nói chuyện” - anh Hòe kể cách mà anh tự phòng bệnh.

Theo anh Hòe, công ty luôn phát các bản tin về dịch bệnh, các văn bản khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch Covid-19 nên mọi thông tin CN đều nắm bắt được. Nhất là khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện trong KCN, lúc mới nghe mọi người đều hoảng hốt. Rồi mọi người nhìn nhau đầy nghi ngại. Nhưng cán bộ nhân sự đã trấn an tinh thần CN, yêu cầu mọi người thực hiện các biện pháp phòng bệnh, khai báo y tế rõ ràng, nhất là những người đến từ những vùng có dịch bệnh để công ty có phương án sử dụng lao động tốt nhất.

PHÒNG DỊCH TỪ XA

Không chờ đợi, tự phòng bị, dự trù mọi phương án chống dịch sao cho hiệu quả nhất là cách mà các DN đang làm. Vừa chống dịch, vừa sản xuất là điều không hề dễ nhưng mỗi DN đều đang gồng sức.

Tại mỗi cửa ra vào và các phân xưởng đều được doanh nghiệp bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: D.L
Tại mỗi cửa ra vào và các phân xưởng đều được doanh nghiệp bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: D.L

Tự khoanh vùng

Chỉ trong vài ngày sau ca nhiễm đầu tiên, mọi hoạt động sản xuất tại Công ty CP Đồng Tâm Miền Trung (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) đã phải thay đổi. Đến lúc này, công ty đã rà soát và cho nghỉ liên tục 2 đợt, đợt đầu là 29 người, đợt thứ 2 là 30 người.

Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc Công ty CP Đồng Tâm Miền Trung cho biết: “Những người mà chúng tôi cho nghỉ thuộc 2 nhóm, thứ nhất là những CN có người thân làm tại Công ty giày Rieker, thứ hai là những lao động đang cư trú ở những khu vực được công bố là vùng dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng như TP.Đà Nẵng. Họ có thể không có tiếp xúc với người nhiễm bệnh, cũng có thể không phải là F2, 3, 4. Nhưng để phòng dịch bệnh từ xa, tốt nhất là nên cho họ nghỉ hưởng đủ chế độ, sau thời gian 14 ngày họ có thể đi làm lại. Cho CN nghỉ thì chúng tôi cũng phải giảm công suất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp trong giai đoạn này”.

Đối với những CN còn đang đi làm, công ty bố trí dung dịch sát khuẩn từ ngoài cổng vào đến bên trong các phân xưởng. Mỗi người lao động đều phải được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang. Trong chuyền sản xuất thì giãn cách người đảm bảo khoảng cách  5 - 10m mới có một người đứng điều khiển máy. Tại nhà ăn, bàn ăn được bố trí vách ngăn giữa người này với người khác đảm bảo an toàn, tránh tiếp xúc.

Ứng phó tại chỗ

Với nhiều DN vẫn còn đơn hàng sản xuất, đảm bảo được đầu vào lẫn đầu ra như Công ty TNHH Việt Vương (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) thì việc giảm số người làm là điều không thể. Cả 2 nhà máy Việt Vương 1 và Việt Vương 2 đều đang tăng công suất sản xuất, với tổng cộng 1.800 CN đang làm việc, thậm chí có tăng ca.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, công ty chỉ còn cách bố trí thêm nhiều bình rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt thường xuyên cho CN, yêu cầu CN đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình làm việc. Và giãn cách trong sản xuất theo cách bố trí lại chuyền sản xuất, bố trí lại máy móc để đảm bảo khoảng cách an toàn từ người này đến người kia từ 1,5 - 2m. 

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương cho biết: “Từ khi có ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Đà Nẵng, chúng tôi đã tuyên truyền thường xuyên cho CN hiểu và chung tay cùng chúng tôi phòng dịch. Do điều kiện sản xuất của ngành may mặc đông CN, bố trí theo dây chuyền nên vẫn chưa đảm bảo được khoảng cách trên 2m. Nhưng chúng tôi đang cố gắng nâng cao ý thức của người lao động, ai có biểu hiện sốt, ho... dù chỉ là bệnh cảm cúm thông thường thì chúng tôi cũng cho nghỉ được hưởng chế độ, chỉ người có sức khỏe tốt mới cho đi làm việc”. 

Ở Công ty Việt Vương, có 22 nhân viên văn phòng là người từ Đà Nẵng vào, mỗi ngày đều được đưa đón bằng xe công ty. Theo ông Tú, họ là người vào từ Đà Nẵng nhưng không phải ở các khu vực có bệnh Covid-19 xuất hiện, nên họ vẫn đi làm, nhưng được kiểm tra, giám sát sức khỏe thường xuyên. Công ty đã lên phương án ứng phó tại chỗ nếu có người xuất hiện triệu chứng. Cụ thể là nhân viên y tế của công ty sẽ là người thường xuyên kiểm tra sức khỏe của CN, mỗi người đều được yêu cầu khai báo y tế.

Có 5 trường hợp khai báo có đến các bệnh viện ở Đà Nẵng thăm người thân đau ốm nên đã được cho nghỉ từ những ngày đầu tiên có dịch bệnh, yêu cầu ở nhà tự cách ly và liên hệ cơ sở y tế ở nơi cư trú. Trường hợp có người bị sốt, nhân viên y tế được trang bị bảo hộ đầy đủ sẽ chuyển người đó đến khu vực cách ly, rồi liên lạc với cơ sở y tế gần nhất hỗ trợ. Điều đáng mừng là kịch bản đã được lên khung nhưng nhân viên y tế của Công ty Việt Vương chưa phải ứng phó trường hợp khẩn cấp nào trong phân xưởng sản xuất.

SẴN SÀNG CHO MỌI TÌNH HUỐNG

Không chỉ các DN, mà Ban quản lý các KCN, các địa phương đều lên kế hoạch ứng phó với mọi tình huống, giám sát chặt chẽ việc sản xuất kết hợp với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong các DN ở KCN lớn của tỉnh.

Bàn ăn được doanh nghiệp bố trí vách ngăn để người lao động tránh tiếp xúc trực tiếp khi ăn. Ảnh: D.L
Bàn ăn được doanh nghiệp bố trí vách ngăn để người lao động tránh tiếp xúc trực tiếp khi ăn. Ảnh: D.L

Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng Ban quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc: Nâng cao cảnh giác mọi tình huống

Kể từ khi có ca bệnh 614 tại Công ty giày Rieker, chúng tôi đã cùng với lãnh đạo công ty, các sở ngành vào cuộc hỗ trợ công ty ứng phó tình huống. Toàn bộ 400 CN ở các chuyền do bệnh nhân 614 quản lý đều cho nghỉ ngay và yêu cầu tự cách ly tại nhà, có vấn đề thì báo ngay cơ sở y tế gần nhất. Sau đó công ty đã cho gần 10.000 CN nghỉ làm việc, chỉ còn khoảng 2.000 CN ở một xưởng không có liên quan gì đến ca bệnh đầu tiên còn ở làm việc vì đơn hàng không thể hủy.

Dịch bệnh đã xảy ra rồi thì phải phòng chống chặt chẽ hơn nữa. Các CN là người Đà Nẵng và các vùng dịch được công bố của Quảng Nam đều được các công ty cho nghỉ để tự cách ly ở nhà. Đến nay đã có 5 DN trong KCN dừng hoạt động, còn 60 DN đang hoạt động thì giãn ca, giãn cách người làm trong chuyền sản xuất, đảm bảo các điều kiện phòng dịch thì mới tiếp tục hoạt động. Có một tình huống xảy ra là người lao động được yêu cầu nghỉ, nhưng vì sợ mất việc làm, không có thu nhập nên kéo đến công ty đòi đi làm. Ban quản lý cùng với lãnh đạo công ty phải gặp, giải thích rõ ràng, đảm bảo các chế độ khi họ nghỉ làm, khi họ hiểu mới chịu quay về. Mọi tình huống đều có thể xảy ra nên ban quản lý cùng lãnh đạo các công ty phải luôn trong sẵn sàng ứng phó.

Ông Vũ Hồng Nhân - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai: Khuyến cáo các DN sản xuất đảm bảo  an toàn

Trong điều kiện dịch bệnh, các DN cũng phải sản xuất đảm bảo đơn hàng đã ký kết với đối tác, nên họ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng như các DN chỉ mong muốn dịch bệnh được kiểm soát để hoạt động sản xuất của DN thuận lợi hơn. Nhưng mỗi DN phải tự phòng dịch cho tốt. Chúng tôi đã có công văn chia sẻ khó khăn với các DN, đồng thời yêu cầu họ thực hiện một số việc quan trọng. Cụ thể, các công ty phải tổng rà soát lại, yêu cầu tất cả CN (hoặc có người thân) có tiếp xúc với người đến từ các vùng dịch, ổ dịch phải khai báo y tế cụ thể, chính xác và liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hỗ trợ. Khuyến khích, vận động người lao động cài đặt ứng dụng Bluzone (ứng dụng truy vết tiếp xúc) trên điện thoại cá nhân, sử dụng đầy đủ biện pháp phòng dịch trong mỗi công ty nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó  Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn: Khuyến cáo DN chung tay phòng chống dịch bệnh

Là địa phương có hoạt động công nghiệp phát triển với hơn 25 nghìn CN sản xuất tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc và nhiều cụm công nghiệp khác, trong đó có khoảng 1.500 chuyên gia, CN thường xuyên ra vào từ TP.Đà Nẵng nên vấn đề kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất an toàn gặp nhiều thách thức. Vừa qua, sự việc một quản đốc tại Công ty giày Rieker nhiễm Covid-19 càng khiến yêu cầu kiểm soát mầm dịch bệnh tại các DN sản xuất trở nên bức bách hơn. 

Sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 trên, UBND thị xã đã cùng với một số đơn vị liên quan của tỉnh làm việc trực tiếp tại Công ty giày Rieker để xác định các trường hợp liên quan phải tạm thời nghỉ việc, cách ly, đồng thời phát thông báo đến các DN khác trong KCN phải tăng cường bảo đảm an toàn cho CN. Đối với chuyên gia, CN từ Đà Nẵng vào Điện Bàn làm việc phải có giấy xác nhận của công ty mới được qua trạm kiểm soát, nếu thực hiện đưa đón thì phải giãn cách theo quy định chỉ được chở tối đa 50% sức chứa.

Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành: Khẩn trương hoạt động các tổ giám sát cộng đồng

Tuy chưa xuất hiện ca dương tính nhưng hiện nay toàn huyện đang tổng lực truy vết các F1 có liên quan đến những ca dương tính đã công bố. Tính đến chiều ngày 5.8, toàn huyện đang thực hiện cách ly tập trung 84 người ở 1 cơ sở cách ly. UBND huyện đã giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng LĐ-TB&XH kết hợp với các KCN đóng chân trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền, sàng lọc CN tham gia lao động trên địa bàn có tiếp xúc gần với những ca dương tính để thực hiện cách ly hoặc đảm bảo các vấn đề liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh.

Huyện đã thành lập các tổ giám sát ở các địa phương, mỗi tổ giám sát từ 30 - 50 hộ gia đình. Đối với các cụm, KCN, chủ yếu phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các DN, tuyên truyền để CN làm tốt công tác phòng chống dịch. Đối với những CN khai báo y tế và đi từ vùng dịch về thì phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Địa phương dự kiến thành lập thêm 1 khu cách ly nữa và mở rộng khu cách ly tập trung đã hoạt động. Các hóa chất khử khuẩn hiện được chuẩn bị cơ bản đáp ứng, phục vụ cho các khu vực nếu xảy ra dịch. Tại các khu nhà trọ CN, chúng tôi giao cho xã phường quản lý và thực hiện tốt công tác giám sát, khai báo y tế.

Ông Nguyễn Hồng Lai – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ: Chủ động ứng phó với dịch bệnh

Ngày 4.8, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó giao Sở Công Thương khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở LĐ-TB &XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập ngay Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 tại các KCN, nhất là các DN trong KCN Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn; yêu cầu các DN phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong từng khâu công việc; những DN không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, yêu cầu đơn hàng chưa bức thiết, khuyến cáo DN xem xét dừng hoạt động sản xuất; kịp thời báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh và hoạt động của DN.

TP.Tam Kỳ dù chưa xuất hiện ca dương tính nào nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất lớn, vì vậy chúng tôi đã xây dựng phương án chủ động ứng phó. Đó là kế hoạch đáp ứng từng cấp độ dịch bệnh nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc Covid-19, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan. Chúng tôi xây dựng kế hoạch theo từng cấp độ và có kịch bản xử lý cho từng cấp độ, từ cấp độ 1 là có trường hợp xâm nhập; cấp độ 2 dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát; cấp độ 3 là dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc phải trên địa bàn thành phố; cấp độ 4 là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc. Ở từng cấp độ, chúng tôi xây dựng công tác chỉ đạo, kiểm tra, công tác truyền thông, công tác giám sát, dự phòng, công tác điều trị, công tác hậu cần, công tác phối hợp.

Hiện chúng tôi đã thành lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý với các tình huống dịch bệnh cũng như đảm bảo có sẵn quy trình phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Thành phố sẽ triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng, tăng cường truyền thông đến từng cụm dân cư trên địa bàn. Thành phố cũng đã thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống đến với người dân…

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế: DN phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn

Trước mắt, Sở Y tế yêu cầu địa phương phối hợp với lãnh đạo DN nắm danh sách CN để cung cấp cơ quan chức năng khi có yêu cầu và khuyến cáo CN ở các phân xưởng tiến hành khai báo y tế. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành khoanh vùng, khử khuẩn, điều tra, xác minh những người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính tại Công ty giày Rieker, người liên quan đã áp dụng các biện pháp cách ly theo dõi theo quy định. Các đơn vị cũng khử trùng toàn bộ trụ sở làm việc, sản xuất của các công ty và tại các gia đình. Ngành y tế yêu cầu các DN vận động người lao động có liên quan đến các bệnh nhân khai báo y tế, tự cách ly ở nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và DN, cộng đồng. Với các KCN tại những địa phương có ca dương tính hiện nay đã kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho người lao động, bao gồm yêu cầu người lao động đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, xịt khuẩn, rửa tay, giữ khoảng cách trong làm việc, ăn ca, chia nhỏ số lượng người trong các bữa ăn...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tích cực ngăn Covid-19 vào khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO