Vào khoảng đầu năm 1933, cùng với Chi bộ Đảng An Hòa (nay là xã Tam Quang, Núi Thành), Chi bộ Đảng thôn Tịch Tây được thành lập (gồm 3 đồng chí Nguyễn Nhật Tấn, Nguyễn Đình Lan và Nguyễn Hữu Tô, do ông Nguyễn Nhật Tấn làm Bí thư), tiền thân của Đảng bộ xã Tam Nghĩa ngày nay. Sau khi chi bộ đảng được thành lập, các phong trào đấu tranh tại địa phương ngày một lên cao; các tổ chức hội lần lượt ra đời, như Hội truyền bá chữ quốc ngữ do ông Lê Bá và Nguyễn Nhật Tấn phụ trách, Hội trợ tang, Hội hát bộ... do ông Nguyễn Đình Lan và Nguyễn Hữu Tô phụ trách. Các hội này cổ vũ đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống xâu thuế, đòi tự do đi lại, đòi phóng thích tù chính trị…
Chùa Hang - Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh ở thôn Tịch Tây, nơi tổ chức hội họp của Huyện ủy Tam Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN HUY HOÀNG |
Thời gian sau, Chi bộ thôn Tịch Tây phát triển thêm một số đảng viên mới như Nguyễn Kỵ, Nguyễn Khắc Sung, Huỳnh Ái, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Cừu, Nguyễn Quý, Nguyễn Thị Trĩ…, do ông Nguyễn Tiến Chế làm Bí thư. Đến đầu năm 1936, số đảng viên thôn Tịch Tây càng tăng về số lượng, chi bộ lãnh đạo hoạt động đấu tranh ngày càng sâu rộng, có tác động mạnh mẽ đến tầng lớp nhân dân. Từ sự vững chắc của cơ sở đảng thôn Tịch Tây, Huyện ủy Tam Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam đã chọn nơi đây làm địa bàn liên lạc, tổ chức hội họp, trong đó có địa điểm Chùa Hang (đã được cấp bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005).
Năm 1944, Chi bộ Tịch Tây được cấp trên chỉ đạo thành lập tổ du kích, từ đây các cuộc đấu tranh liên tục diễn ra với những hoạt động nâng lên thành cao trào. Trong thời kỳ này, một sự trở ngại không nhỏ cho hoạt động cách mạng là đời sống kinh tế của nhân dân vô cùng khó khăn. Ruộng đất lúc bấy giờ phần lớn do bọn địa chủ cường hào chiếm dụng, trong khi lúa mỗi năm chỉ cấy một vụ, mỗi vụ lúa kéo dài đến 6 tháng như lúa ba trăng, lúa rằng, có loại kéo dài gần 12 tháng gọi là lúa trì trì. Vì vậy, đa số hộ dân thiếu gạo ăn, Chi bộ Tịch Tây phát động nhân dân trồng thêm rau màu, chủ yếu là khoai, sắn mới đủ sống. Tuy cuộc sống đói khổ nhưng người dân nơi đây vẫn một lòng kiên trung theo Đảng. Nhiều người phải đi mót lượm, mò cua, bắt ốc để kiếm sống, nhưng vẫn nhịn ăn góp quỹ nuôi cán bộ, vận động con cháu, người thân tham gia phong trào cách mạng…
Đầu năm 1944, tình hình thế giới và trong nước diễn biến theo chiều có lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Hồng quân Liên Xô tổng phản công tiêu diệt phát xít Đức, Nhật đầu hàng quân đồng minh… Trong nước ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, nhất là lời hiệu triệu của Nguyễn Ái Quốc có tác động đến tinh thần yêu nước trong từng người dân. Lúc này những đồng chí đảng viên trung kiên bị Pháp bắt lưu đày tại các nhà lao đã tìm cách vượt ngục, một số người đang tạm lánh ở các nơi khác cũng tìm đường về tiếp tục hoạt động. Tháng 3.1944, các đồng chí Trần Quế, Nguyễn Tiến Chế từ nhà lao Buôn Mê Thuột bị địch đưa đi an trí ở Phú Bài, trên đường giải đi bằng tàu lửa, đến đoạn Dốc Sỏi (ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi) hai đồng chí đã nhảy tàu trốn thoát và tìm đường trở về Tịch Tây. Tại đây, các ông được bí mật che chở nuôi giấu tại một hang đá ở Chùa Hang và sau đó tiếp nhận kế hoạch cướp chính quyền của Tỉnh ủy Quảng Nam.
Mùa hè năm 1945, Chi bộ Tịch Tây nhận được nhiều chỉ thị quan trọng của cấp trên, nhất là chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của ta”, từ đó chi bộ lãnh đạo toàn dân dấy lên phong trào kháng Nhật, làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa, giành chính quyền sau này.
Trước ngày 19.8.1945, nhận được chỉ thị khẩn của Ban bạo động huyện Tam Kỳ, đúng 5 giờ ngày 20.8.1945 tại sân đình làng Tịch Tây, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ thôn, nhân dân tập hợp tổ chức cuộc diễu hành rầm rộ với băng rôn khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng và hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”, “ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Cùng với đó là tiếng thúc liên hồi của trống, thanh la các loại… làm rung chuyển cả một vùng. Ban bạo động công bố mệnh lệnh “triệt hạ chính quyền tổng Đức Hòa”, tiến đến bắt các tên hương lý trong làng, buộc chánh tổng trao ấn tín cho chính quyền cách mạng… Như vậy, kể từ 19 giờ ngày 20.8.1945, chính quyền tổng Đức Hòa đã hoàn toàn thuộc về tay nhân dân trong khí thế hân hoan của ngày hội lớn.
NGUYỄN HUY HOÀNG