Tích tụ đất đai và sản xuất hàng hóa

Thực hiện chuyên đề: VĂN SỰ - VĂN HÀO 16/07/2017 06:46

Những năm gần đây, các đơn vị liên quan cùng chính quyền nhiều địa phương triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Và, để mang lại hiệu quả thiết thực thì yêu cầu tất yếu phải tập trung tích tụ đất đai nhằm phục vụ sản xuất hàng hóa. Sự thành công của mô hình thí điểm tích tụ ruộng đất trong thời gian qua là một minh chứng. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, cần những giải pháp căn cơ của các cơ quan chuyên môn, chính quyền và doanh nghiệp.

Cá nhân, HTX, doanh nghiệp cần được tiếp sức trong việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành mô hình tích tụ ruộng đất.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cá nhân, HTX, doanh nghiệp cần được tiếp sức trong việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành mô hình tích tụ ruộng đất.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

SẢN XUẤT NHỎ LẺ

Do đất đai manh mún, khó đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và ứng dụng rộng rãi các gói kỹ thuật tiên tiến, khiến việc sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, khâu tích tụ ruộng đất mới chỉ dừng lại ở mô hình điểm…

Nông dân “lơ” ruộng

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hằng năm nông dân trên địa bàn tỉnh canh tác 41.000ha lúa chủ động nước tưới và gieo trồng 25.000ha hoa màu, chủ yếu là bắp, đậu phụng. Khảo sát mới đây cho thấy, hiện toàn tỉnh có khoảng 300 nghìn hộ dân làm nông nghiệp. Như vậy, tính bình quân mỗi hộ chỉ sử dụng 1.360m2 đất lúa và 825m2 đất màu. Ông Đức cho rằng, do số diện tích đất sản xuất bình quân trên một hộ ít, lại nằm phân tán nên hàng chục năm nay việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Từ đó, dẫn đến năng suất thấp và sản phẩm thiếu tính đồng bộ, chất lượng không cao khiến sức cạnh tranh trên thị trường kém. Đặc biệt, vì phần lớn nông dân canh tác với quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên không thu hút được các doanh nghiệp vào hợp tác, liên kết. Do vậy, lâu nay việc sản xuất các loại cây trồng phổ biến dưới hình thức tự sản, tự tiêu và nhà nông luôn đối diện với điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Đất đai manh mún, nước tưới khó khăn khiến việc sản xuất không đạt hiệu quả nên đã xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc suy giảm thâm canh.Ảnh: H.S
Đất đai manh mún, nước tưới khó khăn khiến việc sản xuất không đạt hiệu quả nên đã xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc suy giảm thâm canh.Ảnh: H.S

Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng trên là nguyên nhân chính khiến hiệu quả sản xuất không cao, lợi nhuận ít và thậm chí nhiều mùa bị thua lỗ, khiến nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn - cho biết, vì giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đạt thấp nên thời gian qua nông dân ở một số địa phương thuộc vùng đông của thị xã đã bỏ hoang 19ha đất lúa. Không chỉ vậy, còn có hơn 260ha lúa sản xuất theo lối quảng canh và gần 148ha lúa suy giảm thâm canh. Ông Chơi chia sẻ: “Tại vùng đông Điện Bàn, nếu được mùa thì mỗi vụ 1 sào ruộng cho năng suất 250kg lúa khô. Bán sản phẩm theo giá thị trường với mức 6 nghìn đồng/kg, thu về 1,5 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trả công cày lồng, thu hoạch...  thì 1 sào lúa nhà nông lãi chừng 400 - 500 nghìn đồng/vụ. Số tiền lời đó chỉ bằng cặp vợ chồng chở nhau ra Đà Nẵng hoặc xuống Hội An làm thợ và phụ hồ một ngày. Trong khi đó, để kiếm đồng lãi từ cây lúa, họ phải cần mẫn chăm sóc ít nhất là 3 tháng trời”. Những năm gần đây, chuyện nông dân lơ là trong sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra tại nhiều vùng của Núi Thành và Hội An. Ông Huỳnh Tấn Đức cho hay, ngoài Điện Bàn thì trong năm 2016 ở 2 địa phương vừa nêu có gần 600ha đất lúa, đất nuôi trồng thủy sản… bị bỏ hoang hoặc sản xuất theo lối quảng canh, suy giảm thâm canh. Và số diện tích bỏ hoang chưa phản ánh đúng thực trạng, bởi số liệu thống kê mà ngành nông nghiệp đưa ra không tổng hợp đủ 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tích tụ ruộng đất - nhìn từ mô hình điểm

Bình Đào là một trong những xã thuần nông của huyện Thăng Bình. Hằng năm, nông dân địa phương này gieo trồng hơn 750ha lúa và hoa màu. Thực hiện chủ trương của UBND huyện Thăng Bình, đầu năm 2016 xã Bình Đào triển khai thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất. Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào - cho biết, sau nhiều cuộc họp, lãnh đạo và nhân dân địa phương thống nhất giao cho HTX Nông nghiệp Bình Đào quy hoạch 20ha đất để triển khai thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất. Trong đó, có 10ha sản xuất hạt giống lúa thuần VN121 và 10ha luân canh lúa - đậu phụng cao sản L23.

HTX Nông nghiệp Bình Đào tiến hành ký kết hợp đồng với từng hộ dân để thực hiện phương án tích tụ ruộng đất dưới 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là HTX thuê hẳn 4,7ha đất của 81 hộ dân với thỏa thuận mỗi năm trả cho nông dân 75kg lúa khô/sào, cao hơn 5kg/sào/năm so với trước đây nông dân cho nông dân thuê. Không chỉ vậy, HTX còn trả phí thủy lợi nội đồng thay cho nông dân với mức 40 nghìn đồng/sào/năm. Hình thức thứ hai là 163 hộ dân góp 15,3ha đất để liên kết với HTX sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Theo đó, HTX đảm nhận việc chuyển giao quy trình canh tác và thực hiện đồng bộ việc cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy mạ, thu hoạch, sấy nông sản… với cam kết giá dịch vụ rẻ hơn so với bên ngoài 5 - 10%. Đặc biệt, HTX còn chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm. Ông Võ Tấn Sanh cho hay, để dễ dàng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và ứng dụng rộng rãi kỹ thuật canh tác mới, ngay khi ký kết hợp đồng với nông dân thì HTX tiến hành kiểm tra từng thửa ruộng, đóng cọc xác định ranh giới thửa và phá bờ để tạo ra những thửa ruộng lớn. Mặc dù bước đầu còn gặp khó khăn về tài chính nhưng HTX đã mạnh dạn huy động nhiều nguồn lực để đầu tư mua sắm các phương tiện cơ giới nhằm đảm nhận tốt nhiều khâu quan trọng trong sản xuất. Theo ông Sanh, đến nay đơn vị đã mua được 2 máy cấy lúa, 2.200 khay đựng mạ, 1 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy tỉa đậu phụng, 1 máy thu hoạch đậu phụng, 2 bộng ép dầu bằng hệ thống nhông chuyền điện, 1 lò sấy có công suất hơn 14 tấn/mẻ và xây dựng sân phơi, kho chứa… với tổng kinh phí xấp xỉ 1,5 tỷ đồng.

Về hiệu quả của mô hình tích tụ ruộng đất, ông Võ Tấn Sanh nói: “Đối với 10ha đất sản xuất hạt giống lúa thuần VN121 có sự liên kết với doanh nghiệp, mặc dù năm 2016 thời tiết diễn biến bất lợi nhưng cả 2 vụ đều thắng lợi lớn. Theo đó, sau khi tiến hành quy đổi theo phương thức 1kg hạt giống bằng 1,35kg lúa thương phẩm thì bình quân mỗi vụ 1ha đất sản xuất giống lúa thuần VN121 cho tổng giá trị 53,58 triệu đồng, cao hơn 15,78 triệu đồng/ha/vụ so với những vùng không thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất và không sản xuất giống lúa hàng hóa. Còn đối với 10ha đất sản xuất giống đậu phụng cao sản L23, nhờ năng suất đạt hơn 30 tạ/ha, tính giá bán sản phẩm tại thời điểm thu mua với mức 28 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt ít nhất 84 triệu đồng/ha/vụ, tăng gấp 2,5 lần so với gieo sạ lúa”.

HÀNG LOẠT VƯỚNG MẮC, KHÓ KHĂN

Tích tụ ruộng đất được xem là xu hướng tất yếu khách quan, là “chìa khóa” của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Vậy nên, để tạo sự đồng thuận từ nhiều phía, trước tiên cần phải nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế...

Không canh tác hoặc sản xuất mang lại hiệu quả thấp nhưng nông dân vẫn giữ lại ruộng đất để phòng cơ.
Không canh tác hoặc sản xuất mang lại hiệu quả thấp nhưng nông dân vẫn giữ lại ruộng đất để phòng cơ.

Nhà nông sợ mất đất

Thực tế cho thấy, hiện nay ở nhiều địa phương, nông dân không sản xuất hoặc sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế thấp nhưng vẫn giữ lại ruộng đất để phòng cơ, chờ giải tỏa đền bù chứ không cho HTX, doanh nghiệp thuê. Đây là một rào cản rất lớn khiến quá trình tích tụ đất đai bị ách tắc. Tại HTX Nông nghiệp Bình Đào, mặc dù đã đạt được những kết quả trong việc thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất nhưng vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn. Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX này nói: “Nhiều người dân có tư tưởng sợ mất đất canh tác hoặc làm ruộng chỉ để giữ đất nên ngại giao đất cho HTX. Từ trước đến nay, nông dân chưa từng góp đất liên kết sản xuất lớn mà chủ yếu là mạnh ai nấy làm, không muốn phụ thuộc. Vì vậy, việc hợp tác sản xuất gặp không ít thách thức”.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích tích tụ ruộng đất hiện chưa có, phần lớn là tích tụ tự phát. Thời gian thuê đất, việc định giá thuê đất, phương thức thanh toán ở mỗi địa phương, mỗi hộ cá nhân, HTX, doanh nghiệp thuê đất phần lớn là do thỏa thuận nên còn nhiều vấn đề bất cập.

Ở lĩnh vực kinh tế rừng, ông Nguyễn Đông - đại diện Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam cho rằng, cũng xuất phát từ những vướng mắc trên mà việc tích tụ đất lâm nghiệp để trồng cây gỗ lớn nhằm xây dựng nguồn nguyên liệu lâu dài và chất lượng đang là bài toán hết sức nan giải. “Nếu việc trồng rừng vẫn manh mún, thiếu quy hoạch thì chắc chắn vấn đề khan hiếm nguyên liệu gỗ lớn đầu vào sẽ càng nghiêm trọng hơn. Do vậy, việc tích tụ đất lâm nghiệp trồng cây gỗ lớn nhằm đem lại giá trị cao là một trong những bước đi đúng đắn, thúc đẩy kinh tế của từng gia đình, địa phương phát triển mạnh. Đồng thời giúp doanh nghiệp đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ sản xuất” - ông Đông nói.

Vướng Luật Đất đai

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất lại gặp những rào cản lớn từ chính sách đất đai hiện nay. Đó là quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai 2013, nếu chưa sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân (không áp dụng đối với các tổ chức, HTX nông nghiệp) thuê với thời hạn không quá 5 năm để sản xuất nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, chính việc hạn chế về thời gian thuê đất dẫn đến không ai muốn đầu tư lớn để sản xuất vì lo ngại rủi ro. Điều này đã gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - môi trường) nêu một trở lực khác, đó là tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất trồng lúa của hộ gia đình và cá nhân. Ông Phạm Bê nói: “Quy định này đang là rào cản đối với doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn theo hướng tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (đất trồng lúa)”. Ông Bê cũng cho rằng, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 27,19% số diện tích đất nông nghiệp đã hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa được các cơ quan có trách nhiệm cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân trong vấn đề liên doanh, liên kết, góp vốn bằng đất với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất hàng hóa hoặc cho thuê quyền sử dụng đất…

Xu hướng tất yếu

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, để thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thì cũng cần đẩy mạnh tích tụ đất đai. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành khẳng định rằng, chỉ có trên cơ sở tích tụ đất đai mới hình thành được những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy mô thâm canh công nghiệp. Theo ông Thịnh, nhằm từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thời gian qua trên địa bàn Núi Thành đã có một số chủ cơ sở thực hiện việc tích tụ đất đai bằng hình thức thuê đất công, đất tư, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với quy mô khoảng 5ha để nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Công Thành ở xã Tam Hòa (Núi Thành) là hộ dân hiếm hoi trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn liên kết, mở rộng diện tích, tiếp cận công nghệ hiện đại… để phát triển nghề nuôi tôm sạch. Theo kế hoạch sản xuất, thời gian đến ông Thành sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi nên mong muốn cơ quan hữu quan cần sớm có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giúp ông thuận lợi trong vấn đề tích tụ đất đai. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - nhìn nhận rằng: “Tích tụ đất đai sẽ giúp hình thành nền nông nghiệp có quy mô sản xuất tập trung, gắn với việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và ứng dụng rộng rãi tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Đồng thời tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng khó tính”.

GIẢI PHÁP NÀO TẠO ĐÒN BẨY?

Việc đẩy mạnh liên kết, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn; thực hiện bài bản công tác quy hoạch, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa được xem là một trong những giải pháp tạo đòn bẩy.

Cá nhân, HTX, doanh nghiệp cần được tiếp sức trong việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành mô hình tích tụ ruộng đất.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cá nhân, HTX, doanh nghiệp cần được tiếp sức trong việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành mô hình tích tụ ruộng đất.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

ÔNG HUỲNH TẤN ĐỨC - GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT: Thu hút doanh nghiệp  đầu tư

Có thể khẳng định, doanh nghiệp và HTX là hạt nhân trong công tác tích tụ ruộng đất, do đó phải thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn. Bên cạnh những cơ chế, chính sách hiện có thì phải tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai để thực hiện việc tích tụ. Các ngành, địa phương cần thông qua nhiều kênh thông tin, liên kết, đối thoại, quảng bá để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tích tụ, tập trung ruộng đất, còn Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn về mặt pháp lý.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, kiện toàn, thành lập mới các HTX nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức đại diện nông dân để những tổ chức này có thể đại diện, tham gia vào chuỗi liên kết tích tụ ruộng đất. Từ nay đến năm 2020 Quảng Nam dự kiến sẽ thực hiện tích tụ ruộng đất tại 79 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc khu vực đồng bằng với tổng diện tích hơn 7.372ha. Trong đó, có gần 5.843ha đất lúa, 867ha đất nuôi trồng thủy sản và hơn 662ha đất sản xuất khác. Diện tích ưu tiên tích tụ là những nơi có đất canh tác manh mún, nhỏ lẻ, bỏ hoang, hiệu quả kinh tế thấp hoặc một số vùng có hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất và đã cơ bản hình thành mối liên kết giữa nông dân với các HTX, doanh nghiệp. Sau khi tích tụ ruộng đất, chủ yếu tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa, nuôi tôm, cá nước ngọt và gieo trồng các loại hoa màu, rau an toàn theo hướng tập trung”.

ÔNG PHẠM BÊ - CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI: Phải chú trọng khâu quy hoạch

Theo tôi, ngay từ bây giờ, tỉnh cần chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện việc tích tụ ruộng đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với tổ chức thực hiện các quy hoạch của ngành nông nghiệp. Tích tụ  ruộng đất phải gắn với điều kiện thực tế của từng vùng, khu vực, địa phương; phù hợp với đặc điểm đất đai, địa hình, khí hậu, tập quán và phải căn cứ vào yêu cầu sản xuất.

Tích tụ và tập trung ruộng đất phải lấy doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác, chủ trang trại làm động lực. Bởi, đó là những thành phần có vốn để hỗ trợ cho nông dân, có thể chuyển giao khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất, cung ứng những dịch vụ đầu vào, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hộ gia đình, cá nhân cũng là nhân tố quyết định sự thành công của việc tích tụ đất đai. Do đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân trong quá trình thực hiện khâu này…

ÔNG TRẦN ANH TUẤN - PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP DANACO QUẢNG NAM: Thuê đất và liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu

Đối với doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề quan tâm nhất là xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nhà máy. Công ty chúng tôi áp dụng 2 phương thức để xây dựng vùng nguyên liệu, đó là thuê đất của người dân và giao lại cho chính người dân nuôi trồng, quản lý theo quy trình, yêu cầu kỹ thuật của công ty; liên kết đầu tư bằng hình thức cung ứng cây giống, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Tôi cho rằng, dù theo cách nào, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hay nói cách khác, chính doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn, cánh rừng gỗ lớn hay vùng dược liệu lớn tại các địa phương...

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH: Thời hạn thuê đất quá ngắn thì không ai dám đầu tư

Mô hình tích tụ ruộng đất xuất hiện tương đối nhiều trên phạm vi cả nước và các mô hình tích tụ có khác nhau về quan điểm, cách làm. Nhìn từ nhiều mô hình, Quảng Nam sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai làm một cách có hiệu quả, thuyết phục được người dân, tạo động lực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn thuê đất mà thời hạn cho thuê chỉ kéo dài 2 - 3 năm thì không thể nào dám mạnh dạn đầu tư. Vậy nên, phải có chu kỳ thuê đất lâu dài, theo tôi là thời hạn 20 năm. Khi đó doanh nghiệp mới chủ động tổ chức sản xuất, yên tâm vay vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng khoa học - công nghệ, thuê chuyên gia vào làm việc.

Để việc liên kết tích tụ đất đai giữa nhà nông - chính quyền cấp xã - doanh nghiệp diễn ra thuận lợi thì vai trò của địa phương cấp xã rất quan trọng, đây chính là cầu nối tạo nên sự tin tưởng cho các bên còn lại. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất...

Thực hiện chuyên đề: VĂN SỰ - VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tích tụ đất đai và sản xuất hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO