Trên cánh đồng hôm nay ta gieo hạt giống gì cho tương lai? Nông nghiệp nông thôn đứng ở đâu trên tiến trình công nghiệp hóa? Cứu cánh cho nông dân là gì trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng?...
Các vấn đề lớn như vậy là nỗi trăn trở cho những ai quan tâm về đời sống của đại bộ phận nhân dân đang bám trụ với ruộng đồng.Và, chuyện tích tụ ruộng đất đặt ra như là một khao khát cơ cấu lại sản xuất, hướng đến quy mô đầu tư sản xuất lớn, gia tăng giá trị hàng hóa. Có thể thấy rõ định hướng này trong Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII, với việc đề ra giải pháp: “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao”. Ở tầm địa phương, Quảng Nam cũng xác định chiến lược khuyến khích tích tụ ruộng đất, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
Vậy, tích tụ ruộng đất có phải là giải pháp hoàn toàn tích cực để “tháo khoán” hạn điền và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mạnh lên? Chưa chắc, còn tùy theo cơ chế chính sách, quản lý, cách làm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tích tụ ruộng đất là một loại hình tích tụ tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp, vì ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được của nông nghiệp. Tích tụ ruộng đất nếu thiếu sự kiểm soát của nhà nước sẽ dẫn đến việc sản sinh ra địa chủ mới, bóc lột địa tô thông qua quan hệ như địa chủ - tá điền ngày xưa. Việc kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là cần thiết nhưng nếu không đi kèm giải quyết lao động việc làm, tạo sinh kế cho nông dân thì khi áp dụng sản xuất lớn với máy móc, nông dân sẽ ra đứng đường (?!). Tuy nhiên, nếu tích tụ ruộng đất như kiểu tập trung ruộng đất vào hợp tác xã, nông trường và tổ chức sản xuất theo kiểu cũ, nông dân “đi làm theo kẻng” thì cũng không hiệu quả. Một hình thức tích tụ ruộng đất mà chúng ta đang khuyến khích, thử nghiệm là hình thành cánh đồng mẫu lớn. Song, cách thức tổ chức sản xuất, quy hoạch hàng hóa chuyên biệt chưa rõ ràng, nên chưa thể biết hiệu quả vững bền trong tương lai hay không.
Như thế, vấn đề tích tụ ruộng đất cần phải được nghiên cứu thấu đáo cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Đặc biệt, với tầm quốc gia, chính sách tích tụ ruộng đất cần gắn với quy hoạch rõ thế mạnh của các vùng miền để tổ chức sản xuất hàng hóa phù hợp có tính cạnh tranh cao. Một hành lang pháp lý cũng cần xác lập để nhà đầu tư, doanh nghiệp đến mua đất, thuê đất, hoặc có thể là người giỏi ở địa phương đứng ra gom đất để sản xuất lớn. Các hình thức tích tụ ruộng đất ít có tác động tiêu cực như trang trại gia đình, trang trại dự phần nên được khuyến khích, ưu đãi. Trong đó, đối với trang trại dự phần, doanh nghiệp thuê đất của nông dân, rồi đầu tư giống, phân bón, khuyến nông và khoán lại cho hộ nông dân sản xuất, tạo ra nông phẩm cung cấp cho nhà máy. Đây là một hình thức mà nhiều nơi đang áp dụng hiệu quả, như ở Ninh Bình, công ty thực phẩm Đồng Giao thuê hàng trăm héc ta đất của nông dân để sản xuất dứa (trái thơm) cung cấp cho nhà máy của công ty. Ở Quảng Nam, loại hình này cũng manh nha hình thành với một số công ty vào thuê đất sản xuất rau quả.
Cốt lõi vấn đề, tích tụ ruộng đất chỉ là một trong tổng thể giải pháp thực hiện các mục tiêu nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, là con đường để hiện đại hóa nông nghiệp.
Tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, làm sao cho lợi ích của nông dân và doanh nghiệp hài hòa, đều tăng tiến, là hạt giống cần gieo trên cánh đồng khát vọng.
NGUYỄN ĐIỆN NAM