(VHQN) - Tôi bước vào quán Đen Đá ở ngã tư Trưng Nữ Vương - Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ), bàn cà phê là chiếc máy may cũ. Hình ảnh cậu tôi cặm cụi may cho kịp đồ tết để đám cháu xúng xính áo mới những năm 1980 hiện về...
Tôi thường ngồi ở quán cà phê quen, dẫu không gian rất đơn giản, vị cà phê cũng vừa đủ cho buổi sáng dăm câu chuyện để bắt đầu ngày mới. Thế nhưng đôi lúc những cuộc hẹn kéo tôi ra khỏi không gian quen thuộc, sững người khi một chi tiết trang trí khơi dậy ký ức xưa.
Mới hay, chuyện bài trí, trau chuốt cho một quán ăn hay tiệm cà phê, bên cạnh gu của chủ nhân ắt hẳn phảng phất cả hoài niệm của những người con xa bờ tre gốc rạ. Tiệm cà phê Đen Đá cũng vậy. Bàn ghế được sưu tầm kiểu dáng cũ với bộ sa lon gỗ kiểu dài hay bộ bàn tròn bốn ghế màu nâu sậm. Những bàn những ghế không theo hệ thống, quy củ nào nhưng lại hợp nhãn một cách... logic.
Ly cà phê sữa nóng khói bay trên chiếc bàn máy may, tôi nhâm nhi kỷ niệm về cậu những năm 1980 còn nhiều khốn khó. Cậu tôi là thợ may. Mỗi năm mấy chị em tôi được chở lên nhà cậu may đồ tết. Là quần xanh áo trắng trước đón tết sau đến trường. Cuối năm đường sá đông nghịt. Về đến nhà, hít hà mùi áo mới chừng như vẫn còn tinh tươm trong ký ức.
Xu hướng quán cà phê theo phong cách xưa ở phố thị xuất hiện nhiều năm nay. Hội An đã định hình phong cách quán xá kiểu này từ rất lâu. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang hẳn lang thang nhiều ở phố Hội, chỉ cho tôi “Có một quán cà phê kiểu xưa rất hay”. Đó là An Nhàn - Exquisite Cultural Gallery & Coffee ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An).
Quán trang trí từ các vật dụng bằng tre trong cuộc sống ngày xưa. Vài chiếc mâm gỗ xếp nơi góc quán, gợi lên bữa cơm quê rau dưa bình dị mà thương nhớ khôn nguôi. Nơi ấy có mẹ có cha có chị có anh với mẹt cơm “chẳng có gì để gắp”. Ngó sang bên cạnh, vách tường là bờ gốm với những bình những chum, cái to cái nhỏ thật hút mắt.
Lại là bóng nội tôi gầy trong ánh chiều lom khom muối mắm cái. Nội lật đật ra vườn chặt khúc mía gốc, róc sạch vỏ chèn lên trên hũ mắm để không lên kháng và thanh vị. Nội đã hóa mây trổ đầy khoảng nhớ. Còn cái hũ sành nằm chơ vơ góc vườn, chị tôi nhặt về cắm bông mà cay mắt bóng hình xưa.
Có lẽ phố xá đã dư thừa ồn ã cùng những hiện đại, tiện nghi. Vậy nên nhiều tiệm cà phê hoài niệm cứ xuất hiện nhưng không hề nhàm chán, để người phố thị tìm cho mình góc nhỏ riêng tư mà đi qua áp lực cuộc sống. Anh Phong - chủ tiệm cà phê Phong trong một con đường nhỏ gần Quảng trường 24/3 (TP.Tam Kỳ) vừa mới mở quán theo kiểu cũ này.
Anh bảo, phải ra tận Huế, lùng ở các cửa hàng đồ cũ mới mua đủ bàn ghế xưa để trang trí theo phong cách này. Quán nhỏ nhưng vẫn tạo được chiều sâu, bàn này nói chuyện vẫn không quá ồn ảnh hưởng đến bàn bên cạnh.
Tôi dạo một vòng quanh phố, thỉnh thoảng bắt gặp tiệm cà phê xưa. Ghé quán cà phê 79 trên đường Đặng Dung (TP.Tam Kỳ), chiếc ti vi đen trắng theo từng giọt cà phê phin mà gợi nhắc chuyện cũ.
Ngày xưa, cả xóm Tây Bình chỉ có nhà ông Tỵ tậu được chiếc ti vi 14 inch, để đãi cả làng những bữa cải lương mà các mẹ các chị sụt sùi thương cảm. Rồi đám trẻ nít cho đến bây giờ vẫn không quên từng chi tiết và phép màu trong mấy chục tập phim “Tây du ký”. Tuổi thơ đã quá giàu có với mớ ký ức trong trẻo theo từng tập “Những bông hoa nhỏ” đều đặn phát lúc 7 giờ tối.
Tôi đã đi qua nhiều cung đường tuổi trẻ, cả những phố thị phồn hoa rực ánh đèn. Nhưng rồi hễ bước chân vào một không gian mà chủ nhân cố tình sắp đặt những vật dụng xưa, bỗng thấy lòng mềm đi cùng nhớ thương quê nhà. Đó luôn là một không gian đặc biệt, để những an nhiên bày biện mà soi mình được - mất, có - không.