Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là phương cách chăm sóc sức khỏe ban đầu và bảo hiểm sức khỏe toàn diện cho trẻ em ngay từ sơ sinh và giúp cho trẻ sống khỏe mạnh.
Tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. ảnh: PHÚC VIỆT |
Hiệu quả của vắc xin
Từ ngày 1.6.2017, trên 17.000 cơ sở tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng hệ thống phần mềm Thông tin tiêm chủng quốc gia để quản lý hoạt động tiêm chủng của người dân. Hệ thống giúp ngành y tế quản lý tiêm chủng trọn đời cho mọi người dân từ khi sinh ra theo mã số cá nhân (ID), từ đó tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh nguy hiểm, tránh được những nguy cơ nhiễm bệnh, nguy cơ tàn tật nhờ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tại Quảng Nam, bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh cho biết: “TTYT dự phòng tỉnh đã tổ chức tập huấn về kỹ năng sử dụng phần mềm này cho 1 lớp tại tuyến tỉnh với sự tham gia của y, bác sĩ khoa sản bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, cán bộ y tế tuyến huyện và các bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh. Ở tuyến huyện, TTYT dự phòng tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn cho 18/18 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của cán bộ y tế khoa sản TTYT huyện và nhân viên y tế xã. TTYT dự phòng tỉnh đang triển khai áp dụng thử đúng với tiến độ chung của cả nước đồng thời vẫn tiếp tục duy trì báo cáo bằng văn bản trong thời gian đầu”.
Tuần lễ tiêm chủng năm nay do Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động với chủ đề “Hiệu quả của vắc xin”. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng. Ngày 3.6 vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2017 tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên với sự tham gia của 15 đơn vị y tế trong khu vực. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định: “Vắc xin bảo vệ cuộc sống của chúng ta thông qua tiêm chủng. Tiêm chủng là một trong những can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất trên thế giới giúp ngăn ngừa từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Tại Việt Nam sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng, hơn 600 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhiều loại vắc xin mới với công nghệ kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Thành công của công tác tiêm chủng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân Việt Nam, góp phần đạt các mục tiêu thiên niên kỷ”.
Khó khăn cần khắc phục
Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh cho biết, TTYT dự phòng tỉnh đã có công văn chỉ đạo y tế cơ sở tăng cường tuyên truyền về lợi ích tiêm chủng sâu rộng trong nhân dân để nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh thành quả đạt được trong công tác tiêm chủng, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục. Đó là một số nơi ở vùng sâu, vùng xa trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, hoặc tiêm chủng muộn, vì vậy một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ quay trở lại. Theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh hiện chỉ đạt 68%. Tỷ lệ tiêm chủng tại một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa đạt 90%.
Do đó, mục tiêu của Tuần lễ tiêm chủng năm 2017 là nâng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên cả nước đạt hơn 95% và có sự đồng đều tại các tỉnh, thành, đặc biệt là tăng độ bao phủ tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.
Bác sĩ Masaya Kato - Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2016, có 32% trẻ em Việt Nam không được tiêm phòng viêm gan B ngay sau sinh. Tất cả chúng ta phải phối hợp để tiếp tục củng cố và phát triển chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam để có thể xây dựng một hệ thống tiêm chủng phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần phải có một hệ thống y tế minh bạch và chất lượng về cơ chế quản lý y tế ở cơ sở. Việc xây dựng một hệ thống y tế và hệ thống quản lý ở cơ sở để củng cố niềm tin người dân với vắc xin. Trong thời gian đến, để chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam hoàn thiện và phát triển hơn nữa, bác sĩ Masaya Kato khẳng định: Việt Nam cần kêu gọi các nguồn lực lâu dài cho chương trình tiêm chủng để đảm bảo tính bền vững của chương trình khi các nguồn cứu trợ bên ngoài có xu hướng suy giảm. Chúng ta phải duy trì những nỗ lực hiện tại cũng như tiếp tục tiếp cận với trẻ em mà trước đây bị bỏ sót. Trong vòng 30 năm qua, các tổ chức Liên hiệp quốc trong đó có UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới đã phối hợp chặt chẽ với chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam để giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em và mang lại cho tất cả trẻ em cơ hội sống bình đẳng như nhau.
PHÚC VIỆT