Có tiệm cơm ở giữa phố thị Tam Kỳ, vừa sạch và ngon, lại vừa dân dã, mộc mạc, khiến thực khách luôn có cảm giác như ăn “cơm nhà” mỗi khi đến tiệm.
Anh Nguyễn Hùng - đầu bếp chính, lấy tên ở nhà đặt cho tiệm cơm của mình: Tiệm cơm Chú Tèo (lô 34 - 35D đường Lê Duẩn, TP.Tam Kỳ). Nguyễn Hùng đam mê nấu ăn từ nhỏ. Để rồi, cái “nghiệp” nấu ăn đã vận vào người lúc nào không hay.
Sau khi theo học ngành công nghệ thực phẩm, Hùng đã mở quán ở quê nhà Tiên Phước, khi chưa lập gia đình. Nhưng rồi công việc đưa đẩy anh vào TP.Hồ Chí Minh làm ăn. Sau khi cưới vợ, anh tiếp tục mở quán bán cơm niêu, bán đồ ăn tại thành phố sôi động nhất phương Nam, nhưng chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 bùng phát.
Anh Nguyễn Hùng kể: “Vợ chồng tôi luôn khao khát giới thiệu ẩm thực đặc trưng của xứ Quảng quê mình với người phương Nam nên lúc mở tiệm ăn ở Sài Gòn, quán cơm của tôi bán nhiều món Quảng, tất nhiên không thể thiếu mỳ Quảng, nhưng rất tiếc do dịch dã nên phải đóng cửa”.
Sau dịch, vợ chồng anh Hùng về quê lập nghiệp, vẫn với việc mở quán ăn. Vốn có kinh nghiệm bán cơm tấm, cơm niêu, nên khi về quê vợ chồng anh Hùng tiếp tục ấp ủ ước mơ mở quán cơm tại Tam Kỳ theo tiêu chí “món ăn phải ngon nhưng dân dã, gần gũi với mọi người, để thực khách nào đến ăn uống tại đây đều có cảm giác như đang được ăn cơm nhà”. Nhưng vì khó khăn về vốn và chưa tìm được mặt bằng phù hợp nên lúc đầu anh Hùng chỉ bán cơm bình dân.
Sau thời gian vừa bán vừa tìm hiểu nhu cầu khách hàng, vợ chồng anh Hùng nhận thấy, quán cơm văn phòng kết hợp không gian kiểu gia đình ở Tam Kỳ chưa có nhiều, dù người dân có nhu cầu. Cũng có vài quán đáp ứng nhu cầu này thì lại quá sang trọng và giá cả khá cao, ít phù hợp với số đông...
Mãi cho tới năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Hùng và một người bạn của gia đình là anh Hà Nhật Ánh đã tìm được mặt bằng ưng ý và bắt tay mở quán Tiệm cơm Chú Tèo.
“Dù khá chật vật do tình hình kinh tế khó khăn chung nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Đây là cách để chồng mình có cơ hội trổ tài đầu bếp cũng như phục vụ bữa ăn ngon sạch và ấm cúng cho khách” - chị Đoàn Thị Thanh Nguyện, vợ anh Hùng kể.
Ông chủ Tiệm cơm Chú Tèo đặt tiêu chí riêng cho tiệm của mình và cố gắng thực hiện bằng được. Số lượng khách đến quán ngày càng nhiều như trong thời gian qua cho thấy tiệm đạt mục tiêu đề ra, đó là: phục vụ bữa ăn gia đình đậm vị cơm nhà, có không gian riêng tư để thực khách vừa ăn cơm, vừa hàn huyên chuyện trò.
“Bí quyết để mọi người cảm nhận được những món ăn ở Tiệm cơm Chú Tèo giống như cơm nhà?”. Theo đầu bếp Nguyễn Hùng, trước hết phải đặt toàn bộ cái tâm và cái tình khi nấu từng món ăn, dù là món đơn giản nhất như rau luộc hay trứng chiên. “Tôi luôn đặt mình vào vị trí của thực khách. Nhờ vậy, việc nấu nướng và phục vụ đã đáp ứng được yêu cầu của khách” - anh Hùng nói.
Thêm một thế mạnh của Tiệm cơm Chú Tèo nữa, là Nguyễn Hùng học ngành thực phẩm, lại có kinh nghiệm nên kỹ lưỡng và biết cách lựa chọn thực phẩm tươi ngon. Rau dớn, rau lủi ở quán được mang từ vườn nhà xứ Tiên quê của vợ chồng Hùng; thủy sản chủ yếu mua từ biển Tam Tiến (Núi Thành).
Sẵn lúa gạo trồng và gà vịt gia đình nuôi ở Tiên Phước, “vợ chồng chú Tèo” dự định đưa thêm nhiều món quê vào thực đơn như gà luộc Tiên Phước, cơm cũng nấu từ gạo quê, canh ốc đá rau ranh, cá chuồn kho mít…
Khách của Tiệm cơm Chú Tèo phần lớn đi cả gia đình, nên sắp tới, tiệm sẽ có nhiều món mới dành cho trẻ em. Tất nhiên, không thể thiếu đặc sản Quảng Nam bổ sung vào thực đơn vốn rất phong phú với các món rau quê, canh, cá, thịt, các loại dưa cà mắm…
Cũng từ ý muốn đem ẩm thực ở các nơi về Tam Kỳ nên Tiệm cơm Chú Tèo có món cơm niêu Singapore cháy giòn hay các món ăn đặc trưng của các tỉnh khác. Ngoài nước giải khát, tiệm cơm chú Tèo cũng có nhiều loại nước ép để bữa ăn thêm phong phú...