Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chủ Nhật, 15/12/2024
Từ năm 2011 đến nay ngành thú y Quảng Nam triển khai thí điểm việc tiêm ghép các loại vắc xin cho trâu, bò, heo ở một số địa phương. Thực tế cho thấy, áp dụng phương pháp này không chỉ góp phần giảm chi phí cho cả nhà nước lẫn người dân mà còn nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi...
Tiêm ghép vắc xin ngừa 3 bệnh đỏ cho heo sẽ giúp nhà nước và người chăn nuôi giảm được một khoản chi phí lớn. Ảnh: V.S |
Tỷ lệ tiêm phòng thấp
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến thời điểm này tổng đàn gia súc của Quảng Nam khoảng 743.700 con, trong đó bò 148.200 con, trâu 70.500 con, heo 525.000 con và tổng đàn gia cầm là 5,2 triệu con. Những năm gần đây, ngoài các loại dịch nguy hiểm như cúm A/H5N1, tai xanh, lở mồm long móng thì bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả... cũng thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương. Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, trong công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi có hàng loạt biện pháp cần phải áp dụng, tuy nhiên khâu tiêm phòng vắc xin vẫn là ưu tiên số 1. Ông Nam nói: “Chi cục Thú y tỉnh luôn chủ động dự trữ và cung ứng đầy đủ, kịp thời nhiều loại vắc xin để chính quyền các địa phương tổ chức tiêm phòng cho vật nuôi. Thế nhưng, thực tế cho thấy lâu nay kết quả tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở hầu hết huyện, thành phố luôn đạt tỷ lệ thấp. Riêng đợt 2 năm 2012 này tuy tỷ lệ có cao hơn những năm trước nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Chẳng hạn, tiêm vắc xin tụ huyết trùng cho trâu bò mới đạt khoảng 30%, vắc xin dịch tả và tụ huyết trùng cho heo chỉ khoảng 24,9 - 27,5% trên tổng đàn toàn tỉnh”.
Tại cuộc hội thảo khoa học về tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm do Chi cục Thú y Quảng Nam phối hợp với Phân viện Thú y miền Trung (trực thuộc Cục Thú y Trung ương) vừa tổ chức, không ít đại biểu cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến thời gian qua công tác tiêm phòng luôn diễn ra ì ạch. Cụ thể, lãnh đạo một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, mới chỉ thực hiện trên văn bản như ban hành kế hoạch tiêm phòng chứ không có sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong quá trình thực hiện. Việc tuyên truyền, phổ biến kế hoạch tiêm phòng đến người dân chưa tốt. Mặt khác, do công tác tổ chức, triển khai tiêm phòng chưa khoa học, có nơi để xảy ra những sai sót kỹ thuật, dẫn đến việc người chăn nuôi còn e ngại hợp tác. Đối với các khu vực miền núi, hầu hết trâu, bò được người dân chăn thả tự do trên rừng, không có chuồng trại nên khi được thông báo kế hoạch tiêm phòng, nhiều gia đình không thực hiện vì phải mất công đưa gia súc về địa điểm tiêm.
Theo ông Lê Hữu Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, các loại vắc xin chỉ đảm bảo thời gian bảo hộ 6 tháng, vì vậy số mũi tiêm cho mỗi vật nuôi khá nhiều, nhất là vật nuôi sinh sản, vật nuôi có chu kỳ sản xuất dài. Do đó, trong các chiến dịch tiêm phòng đại trà, việc phải tiêm phòng nhiều bệnh cho một cá thể gặp khó khăn, như khó tiêm mũi thứ 2 trở đi, chậm tiến độ, tiền công thu theo quy định không đủ chi trả cho lực lượng tham gia tiêm phòng... dẫn đến tỷ lệ tiêm được không cao như yêu cầu. Đối với heo thịt, gia cầm nuôi thịt chu kỳ sản xuất ngắn, không nằm trong diện tiêm của các chiến dịch tiêm phòng đại trà nên người dân không chủ động tiêm vắc xin hoặc báo cho thú y cơ sở để được hỗ trợ...
Hiệu quả từ giải pháp mới
Để cải thiện tình trạng ì ạch của công tác tiêm phòng, bên cạnh việc tập trung củng cố, kiện toàn lại đội ngũ thú y cơ sở thì thời gian gần đây ngành chuyên môn đã nghiên cứu áp dụng phương pháp tiêm ghép các loại vắc xin trên vật nuôi. Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, năm 2011 nhóm nghiên cứu của đơn vị đã thực hiện đề tài “Tiêm phòng cùng lúc vắc xin lở mồm long móng và vắc xin tụ huyết trùng trên đàn bò”. Kết quả bước đầu cho thấy khi tiêm phòng cùng lúc 2 loại vắc xin này thì đàn bò đạt tỷ lệ bảo hộ 100% với 2 bệnh trên, phản ứng sau tiêm phòng chỉ là những phản ứng cho phép khi sử dụng vắc xin.
Sau thành công đó, đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Thú y Quảng Nam tiếp tục nhập về loại vắc xin kép nhược độc tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả từ Phân viện Thú y miền Trung rồi triển khai tiêm thử nghiệm ở một số xã của huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Theo ông Nam, khi tiêm trộn các loại vắc xin trên vào một mũi thì hiệu quả về khả năng kháng 3 bệnh đỏ vừa nêu đạt rất cao. Không chỉ vậy, thực hiện cách mới này, giá thành của 1 liều vắc xin kép chỉ gần 4 nghìn đồng, giảm khoảng 50% so với trước đây tổ chức tiêm riêng lẻ cho heo. Đặc biệt, nhờ tiêm theo phương thức “3 trong 1” đó mà tỷ lệ đàn heo được chích ngừa bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả trong đợt 2 năm 2012 tăng lên rõ rệt. Cụ thể, tại Tam Kỳ, nếu đợt 2 năm 2011 tỷ lệ đàn heo được tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và dịch tả chỉ đạt dưới 30% thì đợt 2 năm nay nhờ áp dụng biện pháp tiêm kép nên đã tăng lên hơn 60%. Tương tự, năm ngoái toàn thành phố này có khoảng 350 con heo được tiêm phòng bệnh phó thương hàn thì bây giờ đã tăng lên gần 3 nghìn con. Tương tự, ở Núi Thành, Điện Bàn, Thăng Bình tỷ lệ đàn heo được tiêm ngừa 3 bệnh đỏ trong đợt 2 này cũng tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.
Ông Lê Hữu Hà cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng 3 bệnh đỏ trên đàn heo bình quân toàn tỉnh còn quá thấp (tụ huyết trùng 24,95%, dịch tả 27,50%), vì vậy với những ưu điểm vừa nêu, thời gian tới ngành thú y sẽ mở rộng phạm vi tiêm phòng loại vắc xin ghép này. Do đó, ngay từ bây giờ chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền để người chăn nuôi biết được hiệu quả của việc tiêm phòng ghép nhằm phối hợp thực hiện tốt, tránh những thiệt hại lớn về kinh tế khi xảy ra dịch bệnh”. Cũng theo ông Hà, đối với đàn trâu bò, với kết quả bước đầu của đề tài tiêm phòng ghép, dự kiến trong kế hoạch tiêm phòng năm 2013, Chi cục Thú y Quảng Nam sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đồng loạt tổ chức triển khai tiêm phòng cùng lúc 2 loại vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng, góp phần giảm chi phí cho nhà nước cũng như người dân, đồng thời tăng tỷ lệ tiêm phòng để bảo vệ, phát triển đàn trâu bò bền vững...
VĂN SỰ