Không lành lặn như người bình thường, nhưng bằng tình yêu và nghị lực, vợ chồng anh Nguyễn Dương và chị Võ Thị Thanh Mai (ở số 24, đường Nguyễn Trường Tộ, TP.Tam Kỳ) đã vượt qua gian khó và xây dựng được cho mình tiệm may có tiếng và rất đông khách.
Tình yêu không lời
Sinh ra vốn khỏe mạnh, nhưng cơn bạo bệnh lúc hơn 2 tuổi khiến anh Nguyễn Dương mất đi khả năng nghe nói. Tuy khó khăn giao tiếp, nhưng theo lời mẹ anh - bà Lê Thị Phúng (85 tuổi) thì anh Dương rất nhanh nhẹn, hoạt bát, đến tuổi đi học, anh vẫn cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Học hết lớp 5 trường làng, đủ nhận biết được những con chữ, anh nghỉ ở nhà phụ giúp ba mẹ việc đồng áng. Đến khi trưởng thành, anh may mắn được tiệm may quần áo gần nhà nhận vào làm, giúp việc gấp xếp, ủi đồ. Tuy chỉ là thợ phụ, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó nên anh Dương thường dõi theo công việc của người chủ rồi học được cách cắt, đo, may lúc nào không hay.
Qua nét chữ mềm mại nhưng rõ ràng, anh Dương tâm sự, vì tự ti với khiếm khuyết của bản thân nên lúc đó, anh chỉ lo làm việc, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình chứ không mơ đến hạnh phúc cho riêng mình. Trong một lần tham gia khóa học dành cho những người khiếm thính ở Đà Nẵng, anh gặp được chị Thanh Mai. Vì chung số phận nên họ sớm tìm được sự đồng điệu, cảm thông.
Sau thời gian cùng nhau chia sẻ khó khăn thì anh chị có cảm tình. Đến năm 2002, anh mạnh dạn về xin phép cha mẹ lập gia đình. Cuộc sống trắc trở vì rào cản dư luận nhưng nhờ sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, lành lặn nên vợ chồng rất vui và luôn cố gắng động viên, đỡ đần nhau, vượt qua nghịch cảnh.
Bị câm điếc bẩm sinh nhưng vợ anh Dương, chị Thanh Mai lại thu hút người nhìn với vẻ ngoài tươi tắn. Qua ngôn ngữ ký hiệu, chị chia sẻ, tuy vất vả nhưng gần 20 năm chung sống, chị chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc hay nản lòng. Để giữ lửa gia đình, họ luôn luôn nhường nhịn nhau. Nếu vợ chồng người khác cố gắng một thì họ phải cố gắng, nỗ lực gấp mười lần như thế. Vì không nghe, nói được nên vợ chồng cũng khó khăn hơn trong việc tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ hay niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nhiều lúc vì không hiểu ý nhau nên cũng giận hờn. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua, vợ chồng cứ thế gắn bó, yêu thương đến bây giờ.
Vươn lên
Biết con dâu thạo nghề may vá và cũng đã xây dựng một tiệm may ở quê được thời gian dài nên khi cưới hỏi xong, bà Phúng hỗ trợ vợ chồng anh Dương mở một cửa hàng riêng để sinh sống. Dù tay nghề đã cứng, nhưng khi bắt tay làm lại từ đầu, anh chị cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài thiếu thốn cơ sở vật chất thì khiếm khuyết bản thân là trở ngại lớn nhất lúc bấy giờ.
Vì không nghe, nói được nên anh chị không hiểu khách hàng muốn gì, thích may như thế nào và ngược lại. Mặc dù đã dùng giấy viết và cố diễn đạt ngôn từ bằng những ký hiệu, hành động nhưng nhiều khi việc trao đổi cũng không diễn ra suôn sẻ. Thế nên, những ngày đầu mở cửa, tiệm chỉ có vài ba người thân quen thương tình đến ủng hộ.
Nhưng rồi, nhờ sự cần mẫn, tỉ mỉ trong công việc kết hợp với sự sáng tạo, khéo léo tạo nên những đường may sắc sảo nên tiệm may Thanh Mai dần đông khách. Không những nhận may loại quần áo thông thường, vợ chồng anh Dương còn được nhiều người biết đến với biệt tài may áo dài nhanh và đẹp. Với giá dao động từ 90 - 270 nghìn/bộ, trung bình một tháng trừ chi phí, anh chị thu được gần 10 triệu đồng. Riêng mùa tựu trường, lượng khách hàng là học sinh tăng cao, thu nhập của anh chị cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Số tiền kiếm được, tuy không nhiều nhưng ổn định, giúp vợ chồng anh trang trải cuộc sống thường ngày và nuôi đứa con đang học lớp 10 ngoan ngoãn. Hơn nữa, chị Thanh Mai cũng truyền nghề và giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (SN 1982, ở xã Tam Đàn, Phú Ninh), cho biết: “Nhờ người quen giới thiệu, tôi đến học may ở tiệm chị Mai từ khi chị chưa lập gia đình. Tuy không nghe nói được, nhưng chị rất nhiệt tình chỉ dạy. Những gì không biết, không hiểu, chị trực tiếp cầm tay bày vẽ cho tôi. Nhờ đó, tôi học rất nhanh. Cho đến bây giờ, khi đã mở được cửa tiệm riêng, nhưng mỗi khi có đồ cắt may đòi hỏi kỹ thuật cao, khó làm thì tôi vẫn ghé qua nhờ chị giúp đỡ…”.
Vẫn là những thanh âm đều đều quen thuộc từ chiếc máy may, máy vắt sổ nhưng không gian ở tiệm may Thanh Mai im ắng, tĩnh lặng khác thường. Không ai nói với nhau một câu, nhưng có lẽ, khi ghé vào nơi đây, ai cũng có thể cảm nhận niềm vui ánh lên từ những gương mặt đang miệt mài làm việc, chắt chiu giữ gìn hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng khó tìm…