Tiềm năng điện mặt trời còn để ngỏ

NGUYỄN QUANG 06/07/2023 05:25

Trong bối cảnh thiếu điện hiện nay, lắp đặt, sử dụng điện mặt trời là giải pháp. Thế nhưng điện mặt trời không bán được như trước đây khiến người dân, doanh nghiệp e ngại.

Ông Phạm Phú Hiển bên bộ biến tần (inverter) nối điện mặt trời vào lưới điện để bán cho ngành điện. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Ông Phạm Phú Hiển bên bộ biến tần (inverter) nối điện mặt trời vào lưới điện để bán cho ngành điện. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Ngại đầu tư điện mặt trời

Do dẫn điện từ hệ thống điện lưới chằng chịt gây chập chờn, không đảm bảo chất lượng nên anh Mai Khước Từ (khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) xem xét đầu tư điện mặt trời (ĐMT). Khi được tư vấn, anh Từ tính toán, muốn có ĐMT phải đầu tư cả trăm triệu đồng, trong khi đó, ĐMT không còn được bán như trước đây nên… thôi.

“Gia đình tôi đi làm cả ngày nên chủ yếu dùng điện vào ban đêm. ĐMT thu được từ ban ngày nên muốn dùng ban đêm bắt buộc phải lắp đặt thêm hệ thống pin lưu trữ điện tốn thêm không dưới 20 triệu đồng. Lâu nay mỗi tháng tôi trả hơn 1 triệu đồng tiền điện nên dù chất lượng kém vẫn chịu đựng” - anh Từ nói.

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 1.412 hệ thống ĐMT đã được lắp đặt, đi vào vận hành, được áp dụng bán điện cho ngành điện lực (vì sử dụng trước ngày 31/12/2020). Trong đó, có 219 hệ thống có công suất từ 100kWp trở lên với tổng công suất 144.533kWp (chiếm 88%) và 1.193 hệ thống công suất dưới 100kWp. Đối với 219 hệ thống có công suất từ 100kWp trở lên, lắp trên mái các nhà xưởng khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 114 hệ thống; lắp trên mái của các trang trại nông nghiệp là 69 hệ thống; lắp trên các công trình, mái nhà dân dụng là 36 hệ thống. Đối với 1.193 hệ thống công suất dưới 100kWp, được lắp chủ yếu trên mái nhà dân (chiếm hơn 80%), còn lại là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, mái cơ quan, đơn vị nhà nước.

Ông Phạm Phú Hiển - Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Phú Hiển Lighting chuyên lắp đặt ĐMT và cung ứng các thiết bị dùng năng lượng mặt trời cho biết, trước ngày 31/12/2020 ông có nhiều hợp đồng làm ăn. Sau đó, người dân, doanh nghiệp “thờ ơ” với ĐMT. Nguyên nhân nằm ở Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ĐMT được bán cho ngành điện lực nếu lắp đặt, vận hành và đấu nối vào lưới điện trước thời điểm ngày 31/12/2020.

Các công trình ĐMT vận hành sau ngày 31/12/2020 không được bán điện cho ngành điện. Theo ông Hiển, mấu chốt nằm ở giá trị kinh tế mang lại. Muốn có nhiều đơn hàng lắp đặt ĐMT nhưng tôi vẫn tư vấn khách hàng là nếu sử dụng điện nhiều mới nên lắp đặt ĐMT vì chi phí khá cao. Việc này phù hợp với các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng nhiều điện năng.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, rất cần có thêm ĐMT vì thiếu điện thường trực trong mùa nắng nóng, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp lại không mặn mà lắp đặt, sử dụng ĐMT.

Điều này đi ngược với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Rất nhiều nước có chính sách khuyến khích người dân đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái. Đến nay Quảng Nam chưa có cơ chế khuyến khích đối với ĐMT.

Thêm cơ chế khuyến khích

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây Bộ Công Thương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT theo cơ chế bù trừ. Việc lắp đặt ĐMT trước hết là để dùng điện phục vụ cho nhu cầu của gia đình, doanh nghiệp; phần còn lại sẽ được bù trừ vào phần điện mà người dân đã sử dụng của ngành điện; khi đã bù trừ hết vào phần điện của ngành điện lực mà vẫn còn dư ra thì bán lại cho ngành điện.

Khi áp dụng, nhận thấy cơ hội kinh doanh điện rất lớn, các doanh nghiệp đã đua nhau lắp đặt ĐMT kinh doanh. Để kiềm chế, ngành điện đã đặt ra nhiều yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; yêu cầu có giấy phép bán điện; khai báo thuế. Và đến ngày 31/12/2020 thì Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ dừng mua bán ĐMT.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương lại xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Bộ Công Thương đề xuất khi đầu tư phát triển, sử dụng ĐMT, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Cơ chế này không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt ĐMT, tuy nhiên hệ thống phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định.

Ông Đặng Bá Dự nói đang chờ cơ chế mới này được Chính phủ thông qua, áp dụng. Người dân, doanh nghiệp khi lắp đặt ĐMT thời gian đến sẽ được miễn trừ các loại giấy phép; chỉ có điều tiềm năng ĐMT khó khai phóng khi người dân, doanh nghiệp dựa vào chuyện lợi hay không lợi để cân nhắc đầu tư sử dụng chứ không được bán cho ngành điện để thu lợi như trước.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiềm năng điện mặt trời còn để ngỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO