Ngành lâm nghiệp của tỉnh đang tận dụng và khai thác thế mạnh của nguồn lợi kinh tế rừng, các lâm sản phụ ngoài rừng và hướng đến giao dịch thị trường các-bon từ rừng.
Hướng đến lâm nghiệp bền vững
Kinh tế rừng ngoài các sản phẩm lâm sản, phi lâm sản (nguồn nước, dịch vụ du lịch), tương lai còn có thêm nguồn thu đáng kể từ việc bán tín chỉ các - bon rừng. Trên thị trường, việc mua bán các - bon hay chính xác hơn là mua bán phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ.
Theo Sở NN&PTNT, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, chủ rừng là đối tượng được hưởng lợi khi tham gia thị trường các-bon rừng. Bởi các đối tượng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý và bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2. Giá tạm tính theo thời điểm hiện tại là 5USD/tấn CO2. Như vậy, chủ rừng có diện tích quản lý rừng càng lớn thì lợi ích từ việc giao dịch tín chỉ các-bon đem lại sẽ tương ứng.
Quảng Nam có nguồn lực tài chính dồi dào từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nguồn thu từ các doanh nghiệp phát thải khí các-bon sẽ được sử dụng cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở những khu vực rừng bị ảnh hưởng. Riêng loại hình phát thải lớn, năm 2020, trước mắt 2 nhà máy sản xuất thuộc Công ty CP Than điện Nông Sơn (đóng tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) và nhà máy sản xuất xi măng thuộc Công ty CP – Tập đoàn Thái Group chi nhánh Quảng Nam (đóng tại thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) là đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Sở NN&PTNT đang hướng dẫn các địa phương, chủ rừng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, ngành rà soát, triển khai công tác quy hoạch lâm nghiệp, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển miền núi, nâng cao đời sống nhân dân sống trong và ven rừng. Sở NN&PTNT cho rằng, Quảng Nam sẽ chọn cách phát triển mô hình nông - lâm nghiệp kết hợp lồng ghép vào REDD+ do các vườn rừng nông - lâm kết hợp có khả năng hấp thụ các-bon cao gấp 4 lần so với trồng thuần loài.
Triển vọng bán tín chỉ các–bon rừng
Bộ NN&PTNT khẳng định, các tỉnh miền Trung có lợi thế về rừng hoàn toàn có khả năng bán tín chỉ các-bon rừng. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sản xuất gây khí thải các-bon tự nguyện mua tín chỉ các-bon cũng là một trong những yếu tố khẳng định uy tín của doanh nghiệp. Tín chỉ các-bon được hấp thụ từ rừng sẽ bán cho các quốc gia phát thải nhà kính lớn. Giai đoạn 2018 – 2030, với khả năng hấp thụ 11,2 triệu tấn khí các-bon, Quảng Nam hoàn toàn đáp ứng các quy định cần thiết để bán tín chỉ rừng ra thị trường thế giới. Hiện nay, khu vực miền núi đã xây dựng bản đồ rủi ro mất rừng; tìm hiểu và đánh giá các nhà đầu tư tiềm năng cho kinh doanh, mua tín chỉ các-bon rừng của tỉnh. Đồng thời UBND tỉnh đang xem xét tính đến việc xây dựng đề án hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiến nghị, Trung ương, Bộ NN&PTNT cho Quảng Nam chủ trương để giao dịch tín chỉ các-bon trên thị trường quốc tế, hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình REDD+. Thực tế thời gian qua, Quảng Nam và nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ có tiềm năng bán tín chỉ các-bon rừng, nhưng do năng lực chính sách, kỹ thuật về xây dựng, thực hiện định giá các-bon còn hạn chế nên chưa đủ điều kiện tham gia thị trường các-bon thế giới.
Ông Hà Cống Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ đối tác các-bon trong ngành lâm nghiệp (viết tắt là FCPF) sẽ ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam (gọi tắt là Thỏa thuận ERPA). Việc thỏa thuận giữa ERPA với FCPF mới chỉ dừng lại ở thị trường tự nguyện, vừa mang tính hợp tác và tài trợ. Ở trong nước, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu trình Chính phủ một cơ chế song song với ERPA ban hành cơ chế thí điểm chi trả chứng chỉ các-bon. “Sau khi ký Thỏa thuận ERPA với WB, Bộ NN&PTNT sẽ sớm ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ để quy định chính thức về cơ chế tiếp nhận, đo lường, chi trả tiền thu được từ dịch vụ các-bon một cách hợp lý. Đồng thời, sẽ triển khai để đo lường hấp thụ các-bon của các diện tích rừng trong diện được chi trả” - ông Tuấn nói.