Tiềm năng từ nghề lưới rê hỗn hợp

HOÀNG LIÊN 17/05/2016 09:04

Việc ứng dụng các mẫu lưới rê hỗn hợp cải tiến, sản phẩm từ công trình “Nghiên cứu hỗ trợ chuyển giao nghề lưới rê hỗn hợp khai thác vùng biển khơi tại Quảng Nam” của Trường Đại học Nha Trang hứa hẹn nâng cao năng lực vươn khơi, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Tăng hiệu quả đánh bắt

Trong vòng 2 năm, với công trình “Nghiên cứu hỗ trợ chuyển giao nghề lưới rê hỗn hợp khai thác vùng biển khơi tại Quảng Nam”, ThS. Nguyễn Trọng Thảo (ĐH Nha Trang) và cộng sự đã tiến hành sản xuất thử nghiệm các mẫu lưới rê hỗn hợp cải tiến. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chế tạo ngư cụ, kỹ thuật khai thác, đánh bắt sử dụng ngư cụ lưới rê hỗn hợp đến đông đảo ngư dân nhiều địa phương Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và Hội An. Theo đó, 6 mẫu lưới rê hỗn hợp cải tiến có cấu trúc vật liệu, kích thước mắt lưới khác nhau đã được tạo ra, lần lượt được ứng dụng, đánh giá thực tiễn qua các chuyến đánh bắt xa bờ của ngư dân.

Hướng dẫn kỹ thuật lắp ráp lưới cho ngư dân. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Hướng dẫn kỹ thuật lắp ráp lưới cho ngư dân. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo ThS. Nguyễn Trọng Thảo, giai đoạn 2013-2014, trên 18 chuyến biển (72 mẻ lưới), trong đó có 9 chuyến biển đánh bắt đối chứng với tàu lưới rê hỗn hợp ở Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, khai thác cùng ngư trường, thời gian, năng suất đánh bắt ở tàu lưới rê hỗn hợp cải tiến cao hơn lưới rê truyền thống 2,8 lần, riêng năng suất đánh bắt cá thu cao hơn 2,6 lần. Đối tượng khai thác của nghề này chủ yếu là cá thu, ngoài ra còn có cá nhồng, cá nhú, cá bớp… vốn là những loài có giá trị kinh tế cao. Đó là kết quả thực nghiệm từ tàu cá QNa 90207TS (ông Trần Công Tăng là chủ tàu - thuyền trưởng, trú tại Tam Hòa, Núi Thành), tàu có chiều dài 14,3m, cao 2,25m, vỏ gỗ, công suất 380CV và một số tàu đối chứng sử dụng lưới rê truyền thống. “Qua nghiên cứu, chúng tôi cố gắng khắc phục những điểm yếu mà lưới rê truyền thống đang gặp phải như chiều dài lưới quá lớn khiến việc thả lưới hay thu lưới gặp khó khăn, kích thước mắt lưới chưa linh hoạt với các đối tượng đánh bắt. Vàn lưới rê hỗn hợp cải tiến có 49 tấm lưới, được thiết kế phù hợp với đặc thù ngư trường, có độ sâu đánh bắt cách mặt nước 7 - 10m, lưới đan sợi PE với độ xoắn khá lớn nên phạm vi đánh bắt rộng hơn, phù hợp với cả vùng lộng lẫn vùng khơi. Thời gian thu lưới trung bình 4 tiếng/mẻ (lưới truyền thống là 10 tiếng/mẻ)” - ThS. Thảo nói.

Cần hỗ trợ thiết thực

Theo ông  Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, Hội An hiện có 22 tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV, phù hợp để chuyển đổi nghề. Đã có hiệu quả kinh tế từ thực tiễn, song chưa thể tính được hiệu quả đầu tư ra sao khi chi phí đóng tàu mới, cải hoán lẫn đầu tư ngư cụ quá lớn (1,8 tỷ đồng ngư cụ và chi phí đóng mới, cải hoán tàu - PV). Bên cạnh cơ chế hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước, liệu có thể hạ giá thành sản phẩm ngư cụ, nếu không ngư dân khó kham nổi. Ông Đặng Tấn Giản - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhìn nhận: “Hiệu quả thực tiễn từ đề tài là không phủ nhận, song chi phí đầu tư để bám biển đối với ngư dân là rất cao. Việc đóng mới tàu vỏ sắt hiện rất khó khăn, cả tỉnh chỉ mới có 2 tàu vỏ sắt được hỗ trợ đóng mới, vậy thì có bao nhiêu ngư dân áp dụng được công nghệ này? Hơn nữa, tình hình biển gần đây rất “nóng”, việc tiếp cận vốn vay rất khó, tình trạng bị cắt lưới vẫn diễn ra. Nếu thiếu chính sách hỗ trợ, đồng hành thiết thực từ Nhà nước, ngư dân sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, thiết bị để vươn khơi bám biển”. Còn theo ông Trần Châu Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, Duy Xuyên có 20 tàu công suất trên 20CV. Hiện có 5 chiếc sắp hạ thủy được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67. Việc chuyển đổi công nghệ và nghề đánh bắt không mấy khó, song điều lo lắng chung là các nhà khoa học cần tính toán, điều chỉnh một số thông số kỹ thuật như bộ phận mắt lưới cần nghiên cứu phù hợp, quá trình hạ lưới và thu lưới vẫn còn gặp khó, không thể quản lý hết được. Việc chọn áp dụng mẫu lưới nào phải phù hợp với đặc thù ngư trường, từng tầng biển (mặt, đáy, giữa), địa bàn sinh sống của con cá… để phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý & khai thác thủy hải sản Quảng Nam thì cho rằng, cần phải có nhiều kết quả từ thực tiễn đánh bắt mới có thể đánh giá hiệu quả của nghề và công nghệ được. Qua khảo sát thực tiễn ở tàu thực nghiệm và qua theo dõi ở nhiều tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp trên địa bàn cả nước, hầu hết chủ tàu phản ánh có hiệu quả. “Ngoài tàu thử nghiệm của ông Trần Công Tăng (Núi Thành), trên địa bàn tỉnh đã có 2 tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 94989TS (chủ tàu Phan Thu) và tàu QNa 9599TS (chủ tàu Trần Công Chí) tại huyện Thăng Bình được hỗ trợ đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngoài ra, còn có trên dưới 8 tàu đóng mới, cải hoán ở Thăng Bình, Duy Xuyên áp dụng công nghệ từ mô hình” - ông Giỏi nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiềm năng từ nghề lưới rê hỗn hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO