Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1.2017 ở Thăng Bình đạt rất thấp. Một trong những nguyên nhân được xác định là giá vật nuôi xuống thấp và người chăn nuôi không còn mặn mà với công tác tiêm phòng.
Giá vật nuôi giảm nên người chăn nuôi không còn mặn mà với việc chăm sóc đàn gia súc. Ảnh: T.S |
Hai năm qua, Bình Đào là xã duy nhất của huyện Thăng Bình triển khai hỗ trợ 50% giá tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi tại địa phương. Ông Trần Thanh Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho hay, hiện nay mỗi thôn đều bố trí 1 thú y viên. Trong quá trình tổ chức triển khai tiêm phòng thì lực lượng thú y viên đều đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân chủ động ở nhà, nhốt gia súc, gia cầm để tiêm phòng. Cùng với đó, địa phương thông báo lịch tiêm phòng cho từng thôn trên hệ thống loa phát thanh để người dân biết và chủ động bố trí thời gian.
Tuy nhiên, trước những giải pháp tích cực ấy của chính quyền, người chăn nuôi vẫn không mấy thiết tha. Tính đến giữa tháng 6.2017, công tác tiêm phòng vắc xin đợt 1 của địa phương này vẫn ở mức thấp. Cụ thể, tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu bò đạt 76,4%; tụ huyết trùng đạt 21,2%. Đối với đàn heo, bệnh tụ huyết trùng đạt 39,2%, dịch tả đạt 51,6%. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng các loại bệnh khác cũng đạt khá thấp. Theo ông Trần Thanh Trung, một trong những nguyên nhân khiến công tác tiêm phòng ở địa phương đạt thấp là ý thức của người chăn nuôi. Khi đoàn tiêm phòng đến từng nhà thì các hộ dân cố tình tránh mặt chỉ để người già và trẻ em ở nhà. Còn nếu có ở nhà, họ lại lấy lý do vật nuôi đang mang thai nên không thể tiêm phòng. Ngoài ra, thời gian qua giá cả vật nuôi thấp, ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng. Hiện người dân đã không còn mặn mà với việc chăn nuôi, dẫn đến họ không còn muốn chăm sóc, kể cả tái đàn.
Trong những năm qua, huyện Thăng Bình đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó, đầu năm 2017, Phòng NN&PTNT huyện đã chọn 6 xã gồm Bình An, Bình Nguyên, Bình Định Bắc, Bình Trị, Bình Hải và Bình Dương để thực hiện tiêm phòng điểm cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chỉ có xã Bình An, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hơn 80%. Còn lại các xã thực hiện thí điểm vẫn đạt dưới 50%, trong đó ở Bình Dương, tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng cho trâu bò đạt 25%, tụ huyết trùng heo 13,6%, dịch tả heo chỉ đạt 31%. Còn đối với các địa phương khác, công tác tiêm phòng cũng ở mức thấp. Theo thống kê của Trạm Thú y huyện Thăng Bình, tính đến giữa tháng 6.2017, tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu bò trên toàn huyện đạt 36%, tụ huyết trùng đạt 16%. Đối với đàn heo, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng 20%, dịch tả heo 27%.
Ông Bùi Thanh Việt - Trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Thăng Bình cho rằng, việc triển khai tiêm phòng điểm cho đàn gia súc, gia cầm như thời gian qua cho thấy sự vào cuộc tích cực của các địa phương cũng như các tổ chức hội đoàn thể. Nhờ đó, đã nắm lại tổng đàn, cơ cấu đàn, đối tượng tiêm phòng của đàn vật nuôi một cách chính xác và đánh giá nhận thức của người chăn nuôi về thực hiện tiêm phòng. Từ đó, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện tiêm phòng hằng năm không đạt tỷ lệ cao, rút kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp. Tuy nhiên, việc tiêm phòng ở các địa phương vẫn không đạt như mong muốn. Nguyên nhân chính là hiện nay sản xuất chăn nuôi ở các địa phương vẫn còn nhỏ lẻ nên người chăn nuôi chưa quan tâm, chưa có nhu cầu tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi luôn biến động trong năm, do đó ở một số địa phương, công tác điều tra tổng đàn gặp khó dẫn đến việc đánh giá kết quả tiêm phòng chưa chính xác. Bên cạnh đó, một số địa phương thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhưng khi triển khai tiêm phòng thì chỉ có cán bộ thôn, tổ và thú y viên thực hiện. Một số xã thiếu thú y viên, phải thuê người nên không chủ động được thời gian và khó khăn trong việc xử lý sự cố khi có gia súc tiêm phòng bị phản ứng vắc xin.
GIANG BIÊN - THU SƯƠNG