Theo ngành nông nghiệp tỉnh, Quảng Nam hiện có 211.800 con trâu bò, 490.000 con heo, 4.550.000 con gia cầm. Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh và các đơn vị liên quan liên tục kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo nhưng thực tế cho thấy trong đợt 1 năm 2014, tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm vắc xin phòng dịch bệnh ở hầu hết địa phương vẫn đạt thấp. các loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ 100% như dịch tả heo, lở mồm long móng gia súc cũng chỉ tiêm đạt 33,73 - 66,58%, thậm chí một số nơi của huyện Tây Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn và TP. Hội An không tổ chức tiêm phòng bệnh dịch tả heo.
Đợt 1 vừa qua, tỷ lệ đàn gia súc được tiêm vắc xin lở mồm long móng chỉ đạt gần 67%.Ảnh: N.SỰ |
Thời gian đến là thời điểm giao mùa, các loại dịch bệnh trên vật nuôi thường tái bùng phát và lây lan diện rộng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Sở NN&PTNT vừa có công văn đề nghị chính quyền 18 huyện, thành phố và cơ quan thú y tỉnh tập trung cao độ cho công tác tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2014. Theo đó, UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tham mưu, xây dựng kế hoạch tiêm phòng đợt 2 một cách cụ thể để sớm phê duyệt và triển khai thực hiện. Đồng thời yêu cầu chính quyền cấp xã nhanh chóng kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ và quyết liệt thực hiện những biện pháp tối ưu nhằm đảm bảo tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng vắc xin đạt 80% trở lên. Địa phương nào không hoàn thành kế hoạch thì chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện.
Đối với Chi cục Thú y tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT yêu cầu phải phân công cán bộ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai tiêm phòng ở các địa phương theo kế hoạch. Đồng thời tiếp nhận, bảo quản, phân bổ vắc xin cho 18 huyện, thành phố phải đảm bảo kịp thời, đủ số lượng, đúng chủng loại và đạt chất lượng.
NGUYỄN SỰ