Tiêm vắc xin cho người dân Phước Lộc (Phước Sơn): Kết quả bất ngờ!

PHẠM VĂN HÀO 29/07/2015 08:43

Những hoài nghi về khó khăn trong đợt tiêm chủng tại các thôn 8A, 8B (xã Phước Lộc, Phước Sơn) lần này như được phá vỡ khi ngay từ sáng sớm, đồng bào tựu trung đông đủ trước sân làng để được tiêm vắc xin, nghe hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe.

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho gần 900 người dân Phước Lộc (Phước Sơn)
  • Khống chế hoàn toàn ổ dịch bạch hầu tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn)
Trẻ em thôn 8A, 8B được tiêm phòng lần đầu tiên vào ngày 28.7. Ảnh: VĂN HÀO
Trẻ em thôn 8A, 8B được tiêm phòng lần đầu tiên vào ngày 28.7. Ảnh: VĂN HÀO

Ngày 28.7, Sở Y tế phối hợp với y tế địa phương và chính quyền sở tại triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin cho toàn bộ người dân xã Phước Lộc. Đây là đợt tiêm chủng đầu tiên, diễn ra trong vòng 2 ngày. Theo kế hoạch sẽ có 3 đợt, mỗi đợt cách nhau một tháng với gần 900 người dân địa phương được tiêm chủng.

Tuyên truyền sinh động

Theo kế hoạch của Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, trên 95% người dân xã Phước Lộc sẽ được tiêm chủng lần này. Qua đó, xóa các thôn trắng về tiêm chủng là 8A và 8B. Còn theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, có 3 nhóm đối tượng tiêm vắc xin lần này. Đối tượng dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin Quinvaxem; từ 1 đến 6 tuổi tiêm vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván); trên 7 tuổi tiêm DT (bạch hầu, uốn ván). Qua 3 đợt sẽ có 3.000 liều vắc xin từ Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang cung cấp.

Sân làng thôn 8B tối 27.7 khác hẳn ngày thường. Ánh điện chạy bằng máy nổ rọi sáng qua những căn nhà gỗ sơ sài. Nhiều người nhìn ánh điện không chớp mắt, bảo trước giờ chưa từng thấy. Tối nay, bà con được thưởng thức “bữa tiệc” có cả âm thanh, hình ảnh sống động qua màn hình máy chiếu nên ai cũng háo hức. Đó là một phóng sự truyền hình về công tác tiêm phòng tại các xã Phước Đức, Phước Mỹ và Phước Năng do Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn thực hiện. Không ngoài mục đích, thông qua những thước phim này sẽ tác động vào nhận thức của bà con các thôn 8A, 8B để ngày mai đi tiêm chủng giống như các tại xã vừa thấy trên màn ảnh.

Những bước chân hối hả tập trung về sân làng khiến khung cảnh náo nhiệt hẳn. Bà Hồ Thị Vế (56 tuổi, thôn 8A) bồng trên tay đứa cháu, chăm chú xem hình ảnh đồng bào tại các địa phương khác trong huyện được tiêm thuốc nhưng không tỏ ra đau đớn, sợ sệt. Bà Vế bảo: “Mấy hôm trước cán bộ đến nhà kêu sắp tới được tiêm vắc xin. Nghe cũng sợ chứ, vì hồi nhỏ giờ có tiêm chi mô. Chừ xem thấy họ tiêm thì mai mình cũng đi tiêm thôi”. Vậy mà trước đó vài tiếng đồng hồ, khi chúng tôi gặp lại một vài người dân đã quen mặt và hỏi chuyện đi tiêm thuốc phòng chống dịch bạch hầu, nhiều người lắc đầu: “Không tiêm mô, đau lắm!”. Như gia đình anh Hồ Văn Thiên vừa tốn tiền tổ chức trâu cúng bái để chữa bệnh cho con gái, nói nhất quyết không đi tiêm thuốc. Con gái anh Thiên là Hồ Thị Đẫy (3 tuổi) hiện sức khỏe đã hồi phục sau khi được cán bộ y tế khám, cho uống thuốc do bị viêm phổi.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc tâm sự, mấy hôm nay thời gian anh em cán bộ tập trung ở xã thì ít mà ở thôn thì nhiều. Cũng bởi, để làm tốt công tác tư tưởng, các hội, ban ngành, đoàn thể chia nhau phụ trách mỗi địa bàn để họp dân, vận động. “Có 6 điểm tiêm vắc xin tại 6 thôn, nhưng các thôn kia dễ vận động vì hồi trước cũng đã được tiêm. Còn 8A, 8B thì chưa trơn, nên địa phương cũng lo” - ông Toàn nói. Kết thúc buổi chiếu phim với lời dặn dò kỹ càng bằng tiếng bản địa của chị cán bộ y tế thôn bản Hồ Thị Nhung, đồng bào ra về với vẻ phấn khởi. Song, việc ngày mai bà con có đồng ý chịu đi tiêm vắc xin, rồi số lượng người đi… vẫn còn là một dấu hỏi.

Đảng viên làm gương

Thấy bà con đi tiêm phòng đông đủ nên vui lắm, không uổng công mình đi vận động, tuyên truyền. Nhận thức bà con rồi sẽ khác, hy vọng việc điều trị bằng thuốc men mỗi khi đau ốm sẽ không còn là một rào cản lớn nữa.
(Già làng Hồ Văn Bia - Trưởng thôn 8B, xã Phước Lộc)

Trái với nhiều lo lắng của ngành y tế và chính quyền địa phương, ngay từ sáng sớm ngày 28.7, đông đúc bà con đã kéo nhau đến địa điểm tiêm chủng. Có mặt tại thôn 8B từ rất sớm, ông Tạ Văn Thượng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc cho biết, mình sẽ người đầu tiên được tiêm để bà con thực hiện theo. “Chúng tôi quán triệt đến các thôn, đảng viên phải là người đi đầu. Từ việc lên rừng, lên rẫy vận động bà con tập trung ở nhà trong các ngày tổ chức tiêm phòng cho đến là người “khởi động” tiêm để bà con hiểu đúng vấn đề và làm theo” - ông Thượng nói. Tại thôn 8A, đảng viên, trưởng thôn cũng là người tiên phong trong việc tiêm chủng nên dân làng tin tưởng và không gặp bất cứ trở ngại nào.

Đối với những đối tượng 1 - 15 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi thuốc, ngoài vắc xin phòng bệnh bạch hầu còn được tiêm phòng bệnh sởi Rubella. Cùng với sự tận tâm và đôi khi “mềm hóa” để thuyết phục trẻ nhỏ của đội ngũ y bác sĩ, chiến dịch tiêm phòng đợt đầu diễn ra thuận lợi, được đồng bào hưởng ứng. Anh Hồ Văn Bền (25 tuổi, thôn 8B) cho biết, trước khi tiêm cứ nghĩ đau lắm nên còn dè dặt, khi thấy ai cũng được tiêm và bảo không đau nên bản thân thực hiện theo với niềm tin về sự cải thiện trong vấn đề chăm sóc sức khỏe vùng này. “Con tôi được cho tiêm trước, ban đầu hắn cũng khóc ré lên nhưng được bác sĩ dỗ dành, cho sữa uống nên việc tiêm chích được dễ dàng” - Bền nói.

Việc tiêm phòng vắc xin tại Phước Lộc được đồng bào tham gia đông đủ.
Việc tiêm phòng vắc xin tại Phước Lộc được đồng bào tham gia đông đủ.

Sau khi được tiêm vắc xin, bà con đồng bào tiếp tục được theo dõi trong vòng vài ngày nữa để đội ngũ y bác sĩ kịp thời phát hiện những triệu chứng phụ nếu có. Trưởng thôn 8B - già Hồ Văn Bia (có con gái chết với triệu chứng đau vùng cổ vào ngày 11.7 vừa qua) không ngớt lời hỏi thăm trẻ nhỏ vừa được tiêm chủng. Già nói rằng, những hủ tục thôn này dường như ăn sâu vào tiềm thức đồng bào. Ngay như già, khi con gái than đau nhưng chậm báo với chính quyền, chậm đi đến trạm xá nên mới để xảy ra cơ sự đáng tiếc. “Thấy bà con đi tiêm phòng đông đủ nên vui lắm, không uổng công mình đi vận động, tuyên truyền. Nhận thức bà con rồi sẽ khác, hy vọng việc điều trị bằng thuốc men mỗi khi đau ốm sẽ không còn là một rào cản lớn nữa” - già Bia trải lòng.

Hướng đến tính bền vững

Những tâm sự của y sĩ Lưu Thị Mười - Phó trạm Y tế xã Phước Lộc về những gian truân của đội ngũ y tế xã trong việc chăm sóc, điều trị cho đồng bào vùng cao, không phải là lần đầu chúng tôi được nghe. Song, việc bà con các thôn 8A, 8B tuân thủ chủ trương trong chiến dịch tiêm phòng đợt này khiến chị có quyền đặt niềm tin. Niềm tin từ những chuyển biến trong nhận thức đồng bào. “Hồi trước, có nói dễ gì họ nghe, lại còn bị phản kháng nữa. Bữa nay, lần đầu tiên nhiều người tiếp xúc với kim tiêm, ấy vậy mà không hề sợ sệt, có người còn chủ động tới đề nghị được tiêm trước” - chị Mười cho biết.

Theo bác sĩ Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đợt tiêm vắc xin này có ít nhất 3 cán bộ y tế đứng điểm tại 6 thôn, và được tập huấn kỹ lưỡng. Không giống như hai thôn 8A và 8B, người dân 4 thôn còn lại của Phước Lộc đều được tiếp xúc với vắc xin. “Qua đợt này, chúng tôi hướng đến sự bền vững trong công tác tiêm phòng tại Phước Lộc nói chung, 8A và 8B nói riêng. Được biết sắp tới, điện lưới được thắp sáng tại xã này nên công tác bảo quản vắc xin sẽ được thuận lợi hơn, nâng dần chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào” - bác sĩ Hoàng nói.

Cũng trực tiếp vào thôn 8B chỉ đạo chiến dịch, bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, đây cũng lúc để ngành y tế tỉnh đánh giá tính hiệu quả từ việc tiêm phòng vắc xin ở các huyện miền núi khác. Những điểm tỷ lệ tiêm chủng không đạt kết quả tốt sẽ được xác định nguyên nhân để điều chỉnh. “Mục tiêu chính của chiến dịch lần này là phòng chống bệnh bạch hầu tại Phước Lộc. Về lâu dài là chuyện bà con được tiêm chủng thường xuyên, định kỳ và mang tính bền vững, tiến tới thay đổi hẳn nhận thức trong cách chăm sóc sức khỏe của người dân vùng cao” - bác sĩ Hai nói.

PHẠM VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiêm vắc xin cho người dân Phước Lộc (Phước Sơn): Kết quả bất ngờ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO