Từ ngày 14.4, bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi 5 - dưới 12 tuổi. Yêu cầu đảm bảo các điều kiện để công tác tiêm chủng diễn ra an toàn đang được các địa phương gấp rút chuẩn bị.
Sàng lọc kỹ trước tiêm
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua các phiếu khảo sát được địa phương tiến hành, dự kiến nhu cầu tiêm vắc xin tại Quảng Nam vào khoảng 150 nghìn liều cho lứa tuổi 5 - dưới 12 tuổi.
Để chủ động triển khai tiêm chủng ngay khi vắc xin được cấp về, ngành y tế đã yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ từ ngành giáo dục cũng như phụ huynh học sinh. Cùng với các buổi tập huấn từ phía Bộ Y tế, Quảng Nam đã liên tiếp tổ chức các đợt tập huấn về công tác khám sàng lọc, triển khai tiêm và theo dõi sau tiêm cho cán bộ y tế các cấp.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi tiêm, trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút, sau đó về nhà theo dõi. Đặc biệt trong 3 ngày đầu sau khi tiêm chủng, phụ huynh và giáo viên cần quan sát tình trạng của trẻ, diễn biến sốt hay có thay đổi màu sắc da, niêm mạc mắt, trẻ có nổi ban hay không để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế chăm sóc.
Bên cạnh đó, yêu cầu giáo viên không tổ chức các môn học hay các hoạt động vận động mạnh, ví dụ hoạt động thể lực, chạy… trong các môn học. Điều này sẽ dễ gây nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm như tim đập nhanh, khó thở dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi.
Hiện tại, Việt Nam đã nhận gần 1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên dành cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, do Chính phủ Úc tài trợ. Sau quá trình kiểm định chất lượng, số vắc xin này sẽ được phân bổ đến các tỉnh, trong đó hôm qua 14.4, trẻ tại tỉnh Quảng Ninh được triển khai tiêm đầu tiên.
“Chúng tôi sẽ tiến hành tiêm cho trẻ lớp 6 trước, sau đó hạ dần độ tuổi tiêm. Hiện nay các cơ quan vẫn đang tiến hành mua vắc xin cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Vì vậy việc phân bổ vắc xin sẽ được tính toán. Dự kiến sau khi tiêm chủng cho trẻ tại tỉnh Quảng Ninh sẽ tiêm cho trẻ tại Hà Nội và tuần sau sẽ phân bổ vắc xin đến các tỉnh trên toàn quốc” - bà Dương Thị Hồng, cán bộ Văn phòng Tiêm chủng quốc gia thông tin.
Theo các chuyên gia Bộ Y tế, với những trẻ đã mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm chủng cho đến 3 tháng sau khi âm tính. Bên cạnh tạm dừng tiêm cho trẻ đã mắc Covid-19, các chuyên gia cũng khuyến cáo nếu trẻ đang mắc các bệnh đường hô hấp, sức khỏe không ổn định thì không nên tiêm vội. Trước khi đưa đi tiêm vắc xin, phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của trẻ.
“Trẻ có những triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 thì phụ huynh không đưa trẻ đến điểm tiêm chủng. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh mãn tính, tiền sử dị ứng… cha mẹ cần thông tin trung thực với cán bộ y tế để được hướng dẫn tiêm chủng ở các điểm tiêm an toàn tuyến huyện, tỉnh. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm chủng, tiêm định kỳ tại các điểm, vì vậy phụ huynh không cần lo lắng phải tiêm ngay cho trẻ” - bà Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Chủ động các điều kiện tiêm chủng
Ông Nguyễn Văn Văn cho biết, Sở Y tế đã yêu cầu tại tất cả điểm tiêm chủng phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Sở cũng đã xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống dịch Covid-19, tổ chức tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định. Ngoài ra, việc thực hiện khám sàng lọc cho trẻ được xem như bước quan trọng nhất để tiến hành tiêm chủng.
Để trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được thực hiện tiêm vắc xin Covid-19, cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý và chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa phía nhà trường, gia đình và cán bộ y tế.
Ông Văn cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng, giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng Covid-19; cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm.
Ngành y tế sẽ bố trí các đội cấp cứu lưu động, đồng thời có đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi nhận thông báo sự cố tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm chủng nếu có.