Tiên An ứng phó với lụt bão

NGUYÊN BÌNH – NGUYỄN HƯNG 21/11/2016 08:54

Trước mùa mưa bão, xã Tiên An (Tiên Phước) đã kịp thời di dời những hộ dân còn lại dưới chân núi Đầu Voi đến khu tái định cư (TĐC) để đảm bảo an toàn.

Với những diễn biến bất thường của thời tiết, ảnh hưởng của thiên tai gây ra trong những năm gần đây, ngay từ đầu mùa mưa 2016, xã Tiên An đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Xã cũng cắt cử cán bộ cùng với thôn thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình những vùng trọng yếu dễ bị tổn thương bởi thiên tai, như khu vực Hố Ồ (thôn 1), dọc theo hai bên bờ sông Trạm, khu vực Hòn Gành, núi Đầu Voi (thôn 1, thôn 2)… Riêng đối với khu vực dưới chân núi Đầu Voi, nơi có nguy cơ sạt lở do mưa lũ gây ra, trong năm 2015 và 2016, Trung ương và huyện tiếp tục hỗ trợ 8 tỷ đồng để xây dựng khu TĐC (giai đoạn 3) di dời 33 hộ sang sinh sống.

Đồng thời từ nguồn kinh phí này, huyện Tiên Phước cho xây dựng cầu Bóng Trâm có chiều dài 27m và làm tuyến đường dài 270m khớp nối khu TĐC với tuyến đường Tiên An - Tiên Hiệp. Hiện có 162 hộ dân nằm dưới chân núi Đầu Voi được chuyển qua khu TĐC. Theo đó, các nhu cầu về an sinh xã hội, điện thắp sáng, đường bê tông, nước sinh hoạt cũng được giải quyết, cuộc sống dần ổn định, người dân yên tâm phát triển sản xuất. Ông Trần Văn Thắng - Tổ trưởng khu TĐC (giai đoạn 2) cho biết: “Trước đây, vào những ngày mưa lớn, mỗi khi nghe tiếng ầm ầm bên núi Đầu Voi, hôm sau lên thấy rẫy keo, rồi hoa màu bị đất đá vùi lấp nên sợ lắm. Giờ đây, qua khu TĐC, bà con an tâm tập trung làm ăn. Ban ngày về nơi ở cũ làm ruộng, trồng trọt. Đêm đến về nhà không còn bất an như trước”.

Để đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ, trong năm 2015, từ nguồn kinh phí cấp trên, Tiên An cũng tiến hành thi công, nâng cấp đập Thành Công với các phần đập chính, cống lấy nước, tràn xả lũ, kênh và công trình kênh. Đập Thành Công ngoài việc cung cấp nước tưới cho 12,5ha đất canh tác của thôn 3, còn làm nhiệm vụ cắt lũ. Được biết, Tiên An là một trong những xã chịu nhiều rủi ro do thiên tai gây ra, dễ bị mưa bão chia cắt, để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra địa phương cũng đã dự trữ nhiều xăng dầu, hàng trăm bao chắn, đá hộc, đèn pin, phao cứu sinh, cuốc xẻng… “Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có mưa lũ gây ra, xã phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban phòng chống lụt bão đứng điểm tại những nơi có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt. Anh em luôn túc trực 24/24 giờ; dự báo và phán đoán trước tình hình để không bị động trước những tình huống phát sinh khi lũ lên nhanh. Đồng thời lên phương án cụ thể việc di dời các hộ dân đến những nơi cao hơn; chuẩn bị xăng dầu cho các đội cứu hộ, huy động phương tiện xe cơ giới và trang thiết bị cứu nạn cứu hộ như áo phao, phao cứu sinh” - ông Phan Hồng Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An nói.

NGUYÊN BÌNH – NGUYỄN HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiên An ứng phó với lụt bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO