Tiền cho mà không dám nhận

TRUNG VIỆT 27/03/2023 09:32

Theo khảo sát của Hội LHPN Tây Giang vào tháng 6/2022, trên địa bàn huyện có 149 trẻ em mồ côi gặp khó khăn. Có 10 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 14 cháu được hưởng chế độ (hưởng tuất, bảo trợ xã hội, khuyết tật); Hội LHPN huyện nhận đỡ đầu 2 em, hội LHPN xã đỡ đầu 11 em, Đồn Biên phòng và Cơ quan Quân sự huyện đỡ đầu 7 em, Hội LHPN tỉnh nhận đỡ đầu 1 em. Ngoài ra có 421 phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa (trong đó đã được hưởng chế độ là 240 chị, còn 181 chị chưa hưởng).

Em A Lăng Hiên Hiếu Ngân, sinh 2001 ở xã A Nông, mồ côi cha. Ảnh: T.V
Em A Lăng Hiên Hiếu Ngân, sinh 2001 ở xã A Nông, mồ côi cha. Ảnh: T.V

Con số trẻ em mồ côi gặp khó khăn như vậy là không nhỏ, và khó khăn hơn khi sống ở miền núi, bản thân gia đình mà các em nương tựa cũng có đời sống bấp bênh. Khi cha mẹ không có, trẻ sẽ phải đối mặt với bao vấn đề từ học hành đến tình cảm, sinh hoạt, ăn uống. Vừa qua, huyện Tây Giang tổ chức đối thoại với phụ nữ, khi con số trên được gióng lên, khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói: “Có doanh nghiệp nghe vậy, ngỏ ý tài trợ mấy chục triệu đồng ngay để lập quỹ hỗ trợ các em. Nhưng câu chuyện pháp lý rắc rối lại từ đây”.

Bà Briu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN huyện nói: “Hội LHPN huyện không có cơ sở pháp lý để nhận và lập quỹ, bởi nếu chỉ nhận và trao hỗ trợ cho các em từ doanh nghiệp thì dễ, nhưng lập quỹ và có nguồn thu để nuôi quỹ, thì không dám, bởi chức năng không có.

Mặt trận, ngành LĐ-TBXH có quỹ riêng được Nhà nước thừa nhận, chứ Hội LHPN huyện làm gì có. Trung ương chỉ cho hội lập quỹ ở cấp tỉnh. Bây giờ ví dụ hội cấp huyện nhận và gửi vô quỹ hội tỉnh, cần thì rút ra, nhưng giấy tờ rồi thủ tục mệt lắm, chưa nói giờ càng lo, lỡ mình sai thì chết”.

Ý muốn của địa phương là lập quỹ để hỗ trợ, ưu tiên các em khó khăn nhất giúp đỡ trước, giúp các em lâu dài chứ không phải cho vài triệu đồng là xong, bởi có lâu dài thì mới theo dõi, giúp đỡ tạo điều kiện cho các em ăn học. Có quỹ hợp pháp, sẽ dễ vận động các các nhà hảo tâm giúp đỡ.

“Hội LHPN huyện không dám nhận tiền, trong khi rất cần và rất muốn. Có mà không dám nhận, thật xót. Đồng bằng có nhiều nhà hảo tâm, họ sẵn sàng đứng ra lập quỹ, gây quỹ, nhận nuôi các em tới 18 tuổi, chứ miền núi như Tây Giang lấy đâu ra. Được đồng nào quý đồng nấy thôi…” - bà Nem nói.

Quy định là do con người đặt ra. Không có quy định nào trên trời rơi xuống mà tồn tại dài lâu. Một khi không xuất phát từ thực tế, thì quy định đó vô nghĩa. Nếu thực tế đòi hỏi chính đáng, thì nên tạo hành lang pháp lý để chính sách đi vào cuộc sống.

Như trường hợp Tây Giang, chính quyền cấp tỉnh hay cá nhân nào đó, có cách nào giúp địa phương không, khi những đứa trẻ vùng gian khó đang rất cần sự giang tay của cộng đồng?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiền cho mà không dám nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO