Tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa

NGUYỄN VĂN SỰ 10/03/2017 09:29

Những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tạo tiền đề quan trọng cho sản xuất hàng hóa tập trung - một hướng chủ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thành công từ cánh đồng mẫu

Nhìn cánh đồng lúa xanh mướt đang bắt đầu làm đòng, bà Trần Thị Lệ Hoa ở thôn Bộ Bắc (Đại Hòa, Đại Lộc) hồ hởi nói: “Ngày trước, xứ đồng này manh mún lắm, còn hệ thống giao thông và kênh mương chưa được kiên cố hóa khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Thế rồi, khoảng năm 2005-2006 chính quyền cùng nhân dân địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất để hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn. Với cầu nối là Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Hòa, cũng như nhiều hộ nông dân khác, những năm qua vụ đông xuân và hè thu nào tôi cũng liên kết với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình tổ chức sản xuất hạt giống lúa thuần TBR225, bình quân mỗi sào lúa giống tôi thu được 2,1 triệu đồng, tăng 500 - 700 nghìn đồng/vụ so với hồi còn làm lúa thương phẩm. Điều đáng mừng là việc liên kết này còn giúp nhà nông rất yên tâm ở khâu đầu ra của sản phẩm”.

Nói về mô hình trên, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, từ 3 năm trước, hơn 4.400ha đất lúa của huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Cùng với việc cải tạo đồng ruộng, Đại Lộc linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây mới, nâng cấp hàng chục hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm điện và kiên cố hóa hàng loạt tuyến kênh mương, giao thông nội đồng để quy hoạch xây dựng 40 mô hình cánh đồng mẫu. Trên những mô hình cánh đồng mẫu, mỗi vụ nông dân hợp tác với doanh nghiệp sản xuất khoảng 1.600ha hạt giống lúa thuần và lúa lai, nhờ đó thu nhập tăng thêm 16 - 18 tỷ đồng so với canh tác lúa thương phẩm.

Tương tự, tại Duy Xuyên, thời gian qua đã tiến hành dồn điền đổi thửa được 1.100/3.800ha đất lúa, từ đó đã xây dựng được 9 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 330ha. Hằng vụ, nông dân Duy Xuyên hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất ít nhất 200ha giống lúa thuần, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích tăng thêm khoảng 15%. Theo kế hoạch, năm 2017 Duy Xuyên tiếp tục dồn điền đổi thửa 120ha đất lúa để xây dựng thêm mô hình cánh đồng mẫu. Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hơn 10 năm qua nông dân trên địa bàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa xấp xỉ 20.000ha đất nông nghiệp, phần lớn nằm ở khu vực đồng bằng. “Tính đến đầu tháng 3.2017, toàn tỉnh đã xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn, bình quân mỗi mô hình khoảng 30 - 35ha. Nhà nông chủ yếu liên kết với các doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế tăng khá nhiều so với làm thóc thịt” - ông Nghi nói.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một chính sách mang tính đột phá của tỉnh trong hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa là đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 17.11.2011 về việc hỗ trợ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp (Cơ chế 33). Bởi, ngoài giải phóng sức lao động, với việc cơ giới hóa đồng ruộng, bình quân mỗi vụ nông dân tiết kiệm được 5 triệu đồng/ha so với làm thủ công, người mua sắm máy vừa được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đầu tư vừa kiếm thêm thu nhập gia đình. Như ông Nguyễn Thành Xê ở thôn Thi Phương (xã Điện Phong, Điện Bàn), đầu năm 2013 ông đăng ký với địa phương và đầu tư mua một máy gặt đập liên hợp trị giá 200 triệu đồng. Sau đó ông trình đầy đủ hồ sơ liên quan cho cơ quan chức năng và nhanh chóng được nhận số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng. Ông Xê chia sẻ: “Ngoài phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, trong 3 năm qua vụ nào tôi cũng thu được 25 triệu đồng tiền lãi từ việc cắt thuê 25 mẫu lúa cho người dân trong vùng”.

Ông Dương Hiển Công - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, toàn xã có 163ha đất lúa và 325ha đất màu; từ năm 2012 đến nay đã có 17 hộ nông dân trên địa bàn đầu tư mua 9 máy làm đất loại lớn và 8 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất, với tổng số tiền 4,3 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch của địa phương đã đạt 100%. Thực hiện cơ chế của tỉnh, các đơn vị liên quan cũng đã giải ngân 590 triệu đồng hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cho các chủ máy… Còn ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, từ khi có Cơ chế 33 đến nay, các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân trên địa bàn đã đầu tư 67 tỷ đồng mua nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đã được giải ngân không dưới 9 tỷ đồng tiền hỗ trợ, qua đó nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ 15% lên hơn 95%.

Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh đã có sức lan tỏa sâu rộng với Cơ chế 33. Giai đoạn 2012-2015 toàn tỉnh có 1.542 hộ dân, 16 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác đầu tư tổng số tiền gần 200 tỷ đồng mua 490 máy gặt đập liên hợp, 630 máy cày 4 bánh, 442 máy cày nhỏ, 8 hệ thống máy sấy lúa giống phục vụ sản xuất. Trong đó, ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã giải ngân hơn 38,6 tỷ đồng hỗ trợ chi phí đầu tư theo Cơ chế 33 của UBND tỉnh. Cũng theo ông Lợi, trước khi có Cơ chế 33, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch toàn tỉnh chưa đến 50%. Trong 5 năm qua, nhờ các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nỗ lực đầu tư đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nên tỷ lệ này hiện nay đã tăng lên 85 - 90%. Quảng Nam có 43.000ha đất sản xuất lúa, nếu áp dụng cơ giới hóa toàn bộ, mỗi vụ người dân giảm được 215 tỷ đồng chi phí đầu tư, sản lượng lúa thất thoát trong thu hoạch cũng giảm từ 15% xuống còn 6%.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO