Cuối tuần rồi, lên vùng Gò Nổi của thị xã Điện Bàn tìm hiểu tình hình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, Tư tôi tình cờ thấy vợ chồng anh Ba Phú Tây ở xã Điện Quang đang bón phân cho những ruộng bắp lai xanh mướt. Anh Ba chia sẻ: “Gia đình tui có 7 sào đất màu trên bãi biền Dân Y này. Năm 2015 trở về trước, do nước tưới quá bấp bênh khiến việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, nhờ hạ tầng thủy lợi được xây dựng bài bản nên quá trình sản xuất diễn ra khá thuận lợi”. Theo lời anh Ba Phú Tây, trước đây vì nguồn nước tưới không chủ động nên anh chỉ trồng đậu phụng, bắp lai trên 7 sào đất màu ấy và mức thu nhập bình quân hàng năm đạt chừng 25 triệu đồng. Đến cuối năm 2015, ngành nông nghiệp Điện Bàn cùng chính quyền địa phương tiến hành đầu tư hơn 500 triệu đồng kéo 1,3km đường dây điện và thi công một số hạng mục khác để thủy lợi hóa toàn bộ diện tích đất màu trên xứ đồng Dân Y. Nhờ đó, từ đầu năm 2016 đến nay anh Ba mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, linh hoạt bố trí sản xuất các loại hoa màu theo phương thức luân canh, xen canh, gối vụ và thực tế cho thấy hướng này mang lại thành công rất lớn. Anh Ba Phú Tây chia sẻ: “Năm ngoái vợ chồng tui trồng ớt xuất khẩu, đậu phụng, bắp lai, đậu xanh, bắp nếp trên 7 sào đất màu này và thu về ít nhất 75 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với những năm trước”.
Trao đổi với Tư Ruộng, ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Điện Quang cho biết, trên địa bàn 11 thôn của xã có tổng cộng 545ha đất màu. Để tạo đòn bẩy cho nông dân hình thành những mô hình luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực, yếu tố thủy lợi được quan tâm hàng đầu. Theo số liệu thống kê, thời gian qua bằng nhiều kênh vốn huy động, Điện Quang đã chi xấp xỉ 11 tỷ đồng lắp đặt 3 trạm biến áp và kéo 27km đường dây điện ra hàng loạt cánh đồng để thủy lợi hóa 95% trong tổng số 545ha đất màu. Nhờ nước tưới đảm bảo, bố trí đối tượng cây trồng phù hợp, ứng dụng bài bản những gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho các loại nông sản nên bình quân mỗi năm 1ha đất màu của xã cho tổng giá trị 200 triệu đồng; có một số thời điểm năng suất đạt khá và giá bán sản phẩm cao thì nhà nông thu về 400 - 600 triệu đồng/ha/năm”.
Hôm qua, nghe kể về “điểm sáng” Điện Quang, anh Chín Nông Nghiệp nói: “Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành được hàng nghìn mô hình sản xuất hoa màu theo phương thức hàng hóa tập trung với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Bình quân hằng năm, 1ha đất canh tác theo hướng này cho mức thu nhập 95 - 170 triệu đồng, có vùng đạt 200 - 350 triệu đồng. Theo Quyết định số 1695/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi do UBND tỉnh ban hành hồi giữa tháng 5.2017 thì từ nay đến năm 2030 Quảng Nam sẽ tiếp tục chi 8.877 tỷ đồng cho công tác này, trong đó có một khoản tiền khá lớn dành để thủy lợi hóa thêm 10.330ha đất màu nhằm giúp nhà nông tiếp tục hình thành những vùng sản xuất cây trồng cạn với quy mô lớn”.
TƯ RUỘNG