Ngày mai 29.4, UBND huyện Phú Ninh tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới (NTM) cho huyện Phú Ninh. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, về hành trình xây dựng NTM của địa phương gần 10 năm qua.
PV: Thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh là 2 địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên so với Điện Bàn, tiềm lực của huyện Phú Ninh còn nhiều hạn chế bởi huyện vừa mới thành lập, điểm xuất phát thấp. Tuy nhiên, huyện đã về đích NTM sớm hơn kế hoạch đề ra...
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh.Ảnh: C.T.A |
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Huyện triển khai xây dựng NTM năm 2009, khi xã Tam Phước được chọn là một trong 11 xã điểm của cả nước. Đối với việc xây dựng NTM của huyện trong 10 năm qua là nỗ lực vượt khó. Khi chia tách, Phú Ninh có 10 xã khó khăn nhất của thị xã Tam Kỳ cũ. Ngày chúng tôi rời thị xã lên nhận nhiệm vụ xây dựng huyện Phú Ninh, hầu như cơ sở hạ tầng chẳng có gì. Lúc bấy giờ cả huyện chỉ có 2/32 trường từ mẫu giáo đến THPT đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23%. Trước khó khăn đó, Đảng bộ và chính quyền và nhân dân địa phương cùng vượt khó để chung tay xây dựng quê hương. Sau 2 năm (2005 - 2006), huyện đã vượt qua khó khăn ban đầu và lãnh đạo huyện nảy ra ý tưởng xây dựng huyện NTM. Huyện xây dựng đề án và nhờ Bộ NN&PTNT tư vấn. Đúng lúc đó Trung ương có Nghị quyết 7/NQ-TW về chính sách tam nông, đồng thời Tam Phước được chọn là xã điểm xây dựng NTM. Chính việc “đi tắt đón đầu” đã tạo cơ hội cho Phú Ninh được chọn xây dựng huyện NTM của cả nước. Rõ ràng, kết quả bây giờ là hành trình dài từ khi thai nghén, xây dựng, hình thành với nhiều trăn trở suốt 10 năm nay.
Các cơ quan huyện Phú Ninh được xây dựng khang trang. |
PV: Ông có thể nêu một số thành tựu của huyện sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM?
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Điều dễ nhận thấy là diện mạo nông thôn đã có sự khởi sắc. Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa trên 103km đường liên xã , 215,7km đường liên thôn và 195km đường ngõ xóm đã được cứng hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa, hệ thống đường giao thông nội đồng cũng đã được kiên cố hóa gần 88/115,8km. Về nông nghiệp, nếu như năm 2005 tỷ lệ giá trị nông nghiệp chiếm 70% giá trị kinh tế thì sau 10 năm đã giảm 3 lần, chỉ còn 22%. Nhờ thế, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, bình quân đạt 24,58 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%. Nông nghiệp từ chỗ độc canh cây lúa đến nay đã sang hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh dưa hấu, sản xuất lúa giống hàng hóa, lập vườn trồng tiêu, chăn nuôi heo, bò đàn... theo hướng nông nghiệp sạch để cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng ra thị trường. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp đã có nhiều thành tựu nổi bật. Hiện huyện có Khu công nghiệp Phú Xuân và 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 113ha là Tam Đàn, Chợ Lò, Phú Mỹ và Quán Rường. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, giải quyết việc làm mới cho hơn 1.230 lao động, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Nhân đây, cũng cần nói thêm là, trong công cuộc xây dựng NTM, người dân trong huyện đã có những đóng góp rất lớn về đất đai, ngày công lao động và tiền nong để tạo nên diện mạo tươi mới của các xóm thôn quy thành tiền hơn 126,632 tỷ đồng.
PV:Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện tiếp tục việc xây dựng NTM với hướng đi như thế nào, thưa ông?
Qua 10 năm xây dựng NTM, huyện Phú Ninh đã có được hệ thống điện - đường - trường - trạm cơ bản, chợ nông thôn ở các xã Tam Dân, Tam Thái... cũng đã xây dựng tương đối khang trang. Đó là những thuận lợi cơ bản, đồng thời cũng là tiền đề để huyện Phú Ninh tiếp tục xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020. |
Ông Nguyễn Phi Thạnh: Toàn huyện có 10 xã và 1 thị trấn nhưng có 8 xã và 1 thị trấn đạt NTM theo tiêu chí của Trung ương. Nếu tự thỏa mãn, bằng lòng với kết quả đã đạt được thì huyện Phú Ninh sẽ tụt hậu ngay so với các địa phương khác. Vì vậy, khát vọng của chúng tôi là xây dựng Phú Ninh thành huyện NTM phát triển bền vững và toàn diện. Quyết tâm đó đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vừa qua vạch rõ trong 5 năm tới huyện nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững và toàn diện. Chính vì thế, UBND huyện đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng đề án nâng chuẩn NTM. Đồng thời huyện cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nâng chuẩn bắt đầu từ năm 2016. Hiện đề án đang trình Ban Thường vụ Huyện ủy và HĐND huyện xem xét về cơ chế nâng chuẩn. Phú Ninh có lợi thế là vùng phụ cận của vùng đông Quảng Nam, thuận lợi cho việc kết nối khai thác lợi thế sẵn có nhằm phát triển thương mại - dịch vụ dọc các trục quốc lộ 1 (kết nối với TP.Tam Kỳ và Khu công nghiệp Tam Thăng), quốc lộ 40B và trục đường ĐT615 và đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất; đặc biệt phát triển du lịch hồ Phú Ninh gắn với những di tích, địa danh trên địa bàn huyện như mỏ vàng Bồng Miêu (Tam Lãnh), nhà thờ cụ Phan Châu Trinh (Tam Lộc)... Huyện phấn đấu cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
Qua 10 năm xây dựng NTM, huyện Phú Ninh đã có được hệ thống điện - đường - trường - trạm cơ bản, chợ nông thôn ở các xã Tam Dân, Tam Thái, Tam An, Tam Phước, Tam Lãnh... cũng đã xây dựng tương đối khang trang. Đó là những thuận lợi cơ bản, đồng thời cũng là tiền đề để huyện Phú Ninh tiếp tục xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020.
PV: Cảm ơn ông!
CHIÊU THỤC ANH (thực hiện)