"Tiền hiền" Bùi Tá Hán

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 24/12/2017 09:13

1. Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (1496 - 1568), người được xem như “tiền hiền” của Quảng Nam xưa (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần Phú Yên ngày nay). Năm 1546, sau khi đem quân vào dẹp yên tàn quân nhà Mạc ở phía nam đèo Hải Vân đến Phú Yên, ông được triều đình nhà Lê phong làm Đô tướng dinh Quảng Nam, chịu trách nhiệm yên dân và xây dựng một vùng đất rộng lớn. Ông đã đưa ra nhiều chính sách quy dân lập làng, ổn định đời sống, giải quyết những vướng mắc trong quan hệ giữa người Kinh với người miền núi và người Chàm…

Đền thờ Danh tướng Bùi Tá Hán tại TP. Quảng Ngãi. Ảnh: Website Cộng đồng họ Bùi Việt Nam
Đền thờ Danh tướng Bùi Tá Hán tại TP. Quảng Ngãi. Ảnh: Website Cộng đồng họ Bùi Việt Nam

Sự nghiệp văn võ toàn tài của Bùi Tá Hán đã được nhiều học giả như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bá Trác và các sử liệu ghi lại. Các triều đại phong kiến từ Tây Sơn đến các triều vua Nguyễn đều ban tặng nhiều sắc phong ghi nhận công đức, sự ngưỡng vọng về ông. Riêng sắc phong đời vua Minh Mạng thứ 3 (1822) phong ông là Thượng đẳng thần (Khả gia phong Khuông quốc tịnh biên thọ đức Thượng đẳng thần…). Ngày nay, lăng mộ, tượng và đền thờ ông vẫn còn được gìn giữ tại các địa phương, như: đền và núi Ông, rừng Lăng và lăng Ông được xếp hạng Di tích Quốc gia (ở Chương/Tư Nghĩa, Quảng Ngãi); đền Ông Bùi (Sơn Hà, Quảng Ngãi); đình Nam Chơn thờ Bắc quân Đô Đốc Bùi Tá Hán (TP.Hồ Chí Minh); đền Tam Thanh (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và nhiều nơi khác. Những di tích liên quan đến Bùi Tá Hán đều được người dân cho là rất linh thiêng

“Người quân tử khi đắc chí phải mang lại phúc trạch cho dân” đã trở thành kim chỉ nam trong cả sự nghiệp của ông. Ngày nay, chúng ta có một vùng đất rộng lớn và phát triển phía nam Hải Vân, với những thành phố lớn, những vùng nông thôn phát triển, đều có công lao của ông như người đặt viên đá đầu tiên của “một nửa đất nước”. Những ghi chép dưới đây, từ một tư liệu cổ đã chứng minh điều đó…

2. Một gia tộc Lê ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã lưu giữ một tập tài liệu bằng chữ Hán của tác giả Mai Thị (viết khoảng các năm 1558 - 1571) có tên Phủ tập Quảng Nam ký sự trong gia phả nhiều đời của dòng tộc. Tài liệu này được con cháu sao lưu nhiều lần vào năm 1824, 1924 để bảo vệ vì chất liệu giấy cũ không nguyên vẹn qua thời gian. Đến nay, tài liệu này được đánh giá đã tồn tại đến 400 năm và đã được dịch ra Quốc ngữ từ năm 1996, do Sở VHTT Quảng Ngãi ấn hành.

Căn cứ bản dịch Quốc ngữ (nhưng rất tiếc chỉ được in có 800 cuốn), ta thấy rằng: “Từ khi đất Quảng Nam được vỗ yên, nông dân nghèo ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương lũ lượt kéo nhau vào đây để vỡ ruộng lập làng, mọi việc lớn nhỏ đều do ông giải quyết…”. Trong 20 quyết sách về quy dân lập ấp của Bùi Tá Hán, ta có thể quy lại những nét chính như sau:

Quân đội có trách nhiệm đón tiếp dân, đốn cây dựng nhà. Quan cấp huyện phối hợp với quân đội đón tiếp, cấp 5 tháng lương thực để dân ổn định cuộc sống. Trích ruộng thục điền do quân đội canh tác lâu nay phân chia cho dân canh tác. Hướng dẫn dân trồng khoai lang và rau màu để có cái ăn sau 3 tháng, bất kể giàu nghèo đều quy định ghế (độn) 20% khoai bắp và cơm để tiết kiệm. Khuyến khích khai khẩn đất hoang làm tư điền nhưng không được giành theo kiểu “bao chiếm và phá rừng”.

Quy định mẫu nhà tám cột ba gian, để dân mới đến cư ngụ gần nhau thành xóm ấp, mỗi xóm đào chung một giếng để lấy nước sạch, nhà khá giả có thể đào giếng riêng. Hướng dẫn dân làm nồi đồng, nồi đất để đun nấu. Nồi có lỗ quay để dùng đũa bếp bưng nhắc. Lại hướng dẫn làm ách cày hai trâu để tăng năng suất và làm thủy lợi để chủ động nước cho từng loại ruộng cao thấp. Khuyến khích các nghề thủ công để buôn bán và được miễn thuế…

Bùi Tá Hán luôn nhấn mạnh đến việc duy trì văn hóa truyền thống đi đôi với đổi mới các tập tục lỗi thời trong đời sống làng xã. Ông kêu gọi tiết kiệm trong hôn nhân tang tế và thờ cúng, nhưng khuyến khích xây dựng đền chùa phục vụ tín ngưỡng. Các làng đều phải có thầy thuốc để chữa bệnh cho dân, có thầy giáo dạy chữ và văn học ở trường tư thục và được cấp công điền để trả công bảo đảm cuộc sống gia đình họ. Để kết nối giao thông liên lạc, ông cho mở đường, xây cầu cống và làm ghe nan trét dầu rái để dễ di chuyển trên sông nước…

Chính sách xây dựng làng xã tuy cách đây đã 5 thế kỷ, nhưng ngày nay chúng ta vẫn có thể thấy tầm nhìn của Bùi Tá Hán thật bao quát nhiều lĩnh vực đời sống và còn nguyên tính thời sự, kể cả những quy định về định canh định cư và quan hệ thân ái với người thiểu số, quy định về quốc phòng, kinh tế quốc phòng và các vấn đề an ninh khác…

*
*             *

Tác giả Mai Thị nhận định về thời thế lúc ấy và ca ngợi công lao cùng sự sâu sắc của Bùi Tá Hán: “Từ xưa việc cày cấy rất thô sơ, hoa lợi từ lâu không tăng mà thuế xâu lại nặng nề. Các tập tục bưng bít con người, nếu không nhân lúc khai hoang lập ấp mà cải cách, đổi mới thì khác nào với người ngủ say ta chỉ mới dời giường ngủ của họ mà thôi”.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Tiền hiền" Bùi Tá Hán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO