Xã Tiên Lãnh thuộc vùng trọng điểm lũ lụt của huyện Tiên Phước do có thủy điện Sông Tranh 3, sông Tum và đồi núi hiểm trở; vì vậy địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bước vào mùa mưa.
Thôn 4 và thôn 5 (trước kia là thôn 8 và thôn 7) xã Tiên Lãnh là nơi thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi mùa mưa lũ về, bởi nơi đây địa hình tương đối trũng thấp nằm liền kề sông Tranh, khi mưa lớn nước sông dâng cao gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống người dân ven sông. Ngoài ra, từ khi thủy điện Sông Tranh 3 tích nước đi vào hoạt động, nhiều hộ dân tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ, sử dụng ghe máy, thuyền nhỏ để vận chuyển hàng hóa, đánh bắt cá tiềm ẩn nguy hiểm khi lượng nước lớn đổ về. Theo thống kê hiện có 29 ghe máy, thuyền nhỏ của các hộ dân đang hoạt động trên lòng hồ thủy điện.
Đối với các hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Tum (thôn 1), nơi cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất, ngập lụt, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con tránh trú khi mưa lũ xảy ra và di dời vào khu tái định cư Đồng Lầy (thôn 3). Đến nay khu tái định cư Đồng Lầy cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Công trình có tổng diện tích 3,2ha, trong đó đất chia lô khoảng 1,77ha (dự kiến bố trí tái định cư cho gần 70 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp) với đầy đủ hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, cây xanh 1,43ha. Tổng kinh phí đầu tư cho công trình này gần 10 tỷ đồng. Hiện có 8 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt đã chuyển đến sinh sống. Ông Bùi Sang - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết, đối với các hộ dân sống dọc bờ sông Tranh thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân về cách đối phó khi mưa lũ xảy ra. Riêng các chủ phương tiện có ghe máy, thuyền nhỏ đang hoạt động trên lòng hồ thủy điện, lãnh đạo xã đã làm việc yêu cầu các chủ phương tiện trang bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, áo phao cứu sinh khi đi lại trên lòng hồ; đồng thời nghiêm cấm các chủ phương tiện đi lại, vớt củi, vận chuyển hàng hóa trên lòng hồ thủy điện trong những ngày mưa lũ. Đối với một số hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Tum và sinh sống sát dưới chân núi có nguy cơ bị sạt lở đất khi mưa lũ, địa phương đã đưa vào sinh sống ở khu tái định cư Đồng Lầy và hướng dẫn họ đến nơi cao ráo an toàn nếu xảy ra lũ lụt.
Chủ động phòng tránh
Để đối phó với tình hình mưa lũ, ngay từ đầu năm 2019 xã Tiên Lãnh sớm xây dựng kế hoạch, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm “4 tại chỗ”, địa phương huy động tổng lực về người và phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi thiên tai, lũ lụt xảy ra. Từ nguồn kinh phí cấp trên, xã đã trang bị 4 chiếc ghe để đảm bảo cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra ngập lụt. Ngoài ra, đầu tư mua sắm trang thiết bị như áo phao, đèn pin, áo mưa, barie, biển cảnh báo… với kinh phí trên 60 triệu đồng. Xã thành lập 2 đội xung kích và dưới thôn thành lập 6 đội xung kích sẵn sàng túc trực, làm nhiệm vụ khi bão lũ xảy ra.
Theo ông Sang, rút kinh nghiệm những năm trước, ngay từ đầu năm 2019, địa phương lập phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể trong phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cũng như ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Các đội xung kích chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Mặc khác, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân về việc ứng phó với lụt, bão, nhất là đối với các hộ dân đang sinh sống, sản xuất tại các khu vực xung yếu, ven sông suối, đồi núi nơi có nguy cơ sạt lở cao, giúp họ chủ động tránh trú khi bão lũ, thiên tai xảy ra. Với công tác chuẩn bị chủ động như hiện nay, xã Tiên Lãnh có thể hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, góp phần ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.