(QNO) – Những vụ thu hoạch gần đây, giá mua cau tăng đột biến, mang lại thu nhập cao cho người dân, song vẫn "rình rập" rủi ro vì chỉ phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm quả cau, Tiên Lãnh – địa phương trồng cau chủ lực của Tiên Phước sẽ chủ động tăng diện tích cau theo hướng thương mại, bền vững.
Giá trị kinh tế cao
Vườn cau của ông Huỳnh Ngọc Tân - ở thôn 1, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) rộng khoảng 1ha với hơn 7.500 cây, trong đó số cau đang tuổi thu hoạch khoảng 1.000 cây. Vụ cau năm 2024 vừa qua, ông thu hoạch được 5,2 tấn cau non, lợi nhuận hơn 330 triệu đồng.
Ông Tân cho biết, cùng với nhiều hộ dân khác ở Tiên Lãnh, ông trồng cau từ những năm 1990 - thời điểm mà thương lái thu mua cau chì rồi mang hạt cau sấy đen làm nguyên liệu cho thuốc nhuộm. Cứ mang cau ra chợ là có người thu mua, nên người dân bắt đầu mạnh dạn mở rộng diện tích vườn cau.
[VIDEO] - Ông Huỳnh Ngọc Tân chia sẻ hiệu quả kinh tế từ trồng cau:
Khoảng năm 2010, thị trường cau non phát triển, giá cau tăng liên tục qua các năm và đỉnh điểm vào tháng 9/2024, giá cau đạt mức hơn 100 nghìn đồng/1kg. Nhiều hộ dân có diện tích trồng cau lớn ở Tiên Lãnh có thể thu nhập gần 1 tỷ đồng từ vụ này.
"Trước đây, tôi nhận được hỗ trợ 6 triệu đồng mua cau giống từ Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế vườn của huyện. Từ nguồn hỗ trợ này, tôi đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động, đảm bảo nước tưới cho mùa nắng. Và để cau đạt năng suất, mỗi năm chỉ cần đầu tư thêm khoảng 10 triệu đồng tiền phân bón, không tốn công chăm sóc vẫn mang lại hiệu quả kinh tế lại rất cao, kể cả giá cau lên, xuống thất thường. Do đó, tôi mới mở rộng diện tích trồng cau thêm 2.000m2 " - ông Tân nói.
Trên địa bàn xã Tiên Lãnh hiện có hơn 450ha diện tích trồng cau, với khoảng 300 hộ dân đầu tư trồng cau. Trong đó, diện tích cau đã cho thu hoạch là khoảng 220ha. Những năm qua, giá cau non liên tục tăng cao giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Điển hình như vụ cau vừa qua, toàn xã thu hoạch được 1.600 tấn cau non. Với giá bán trung bình cả vụ ước 80 nghìn đồng/1kg, người dân thu về hơn 115 tỷ đồng.
Không phụ thuộc vào một thị trường
Bà Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết, những năm qua, từ cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, giúp diện tích cau địa phương tăng qua các năm. Riêng Đề án 03 (trước đây là Đề án 548) về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 đã hỗ trợ giống cau cho người dân trồng trên diện tích 68ha. Điều đáng mừng, khi thu nhập từ cây cau ngày càng lớn, người dân bắt đầu có ý thức trong việc cải tạo vườn, đầu tư chăm bón để nâng cao hiệu quả, năng suất.
[VIDEO] - Người dân Tiên Lãnh chuyển từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cau:
Theo bà Tuyết, giá cau non liên tục tăng cao trong những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ cau tăng cao ở một số quốc gia trên thế giới. Ngoài việc bán quả cau tươi cho thương lái để xuất khẩu, người dân Tiên Lãnh ổn định đầu ra nhờ việc liên kết với HTX Cau sấy Tiên Phước có nhà máy chế biến tại địa phương. Mỗi năm, HTX này thu mua khoảng 1.600 tấn quả cau tươi, rồi sấy khô để xuất khẩu sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc… Từ việc chi phí vận chuyển được khấu trừ, người dân Tiên Lãnh có thu nhập tương đối cao hơn những địa phương khác.
“Dù giá cao liên tục tăng qua các năm nhưng người dân vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường, đặc biệt là giá thu mua, cạnh tranh thất thường của thương lái. Về lâu dài, thu nhập của người dân từ cây cau không thể chỉ phụ thuộc vào một thị trường, như vậy sẽ rất rủi ro.
Để nâng cao giá trị kinh tế và tạo cơ sở đưa trái cau xuất khẩu chính ngạch, việc cần thiết là xây dựng mã số vùng trồng cho cây cau ở Tiên Lãnh. Đây là cơ sở quan trọng để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, nâng cao giá trị và chủ động được đầu ra - bà Tuyết cho biết.
[VIDEO] - Bà Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ trồng cau trên địa bàn xã: