Tiền lương toàn cầu chưa được cải thiện

NAM VIỆT 15/08/2014 10:54

Nền kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng tiền lương của người lao động ở nhiều nước vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn có xu hướng giảm hơn trước.

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, đời sống kinh tế của nhiều lao động trên toàn cầu được cải thiện nhờ thu nhập được nâng cao. Nếu như năm 1981, khoảng 52% người dân ở các nước đang phát triển có mức sống dưới 1,25 USD/ngày thì năm 2008, con số này giảm còn 22%. Phần lớn thành quả đạt được là thuộc khu vực châu Á, thông qua các kế hoạch kích thích phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiền lương của lao động nhiều nước vẫn thấp.
Tiền lương của lao động nhiều nước vẫn thấp.

Tuy nhiên, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, các mức lương trên GDP toàn cầu đã bị giảm sút, người lao động bình thường không được hưởng những đãi ngộ xứng đáng từ nền kinh tế phát triển, kể cả tại các nước phát triển. Như tại Anh, theo số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Anh công bố ngày 13.8, mặc dù thị trường việc làm liên tục có những dấu hiệu cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 6,4%, thấp nhất kể từ năm 2008 nhưng tiền lương vẫn đáng được báo động. Tiền lương trung bình của người lao động ở Anh, nếu không tính các khoản tiền thưởng, chỉ tăng 0,6% trong vòng một năm qua, mức tăng thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê trong lĩnh vực này năm 2001. Còn nếu tính cả các khoản tiền thưởng thì tiền lương giảm 0,2%, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009.

Tại Nhật Bản, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chưa đầy 4% nhưng tiền lương thực tế của người lao động đã giảm 12 tháng liên tiếp tính tới tháng 6.2014, mức tăng lương vẫn thấp hơn mức tăng giá. Đây cũng là lý do khiến nhiều người Nhật phải thắt chặt chi tiêu và nền kinh tế không thể bứt phá dù Chính phủ Nhật đã tung ra nhiều chương trình kích thích kinh tế.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của ILO về quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động thì Việt Nam cùng một số rất ít nước phát triển đang có mức thu nhập được cải thiện. Tuy vậy, kết quả khảo sát cho thấy tiền lương tối thiểu tương ứng với 4 vùng đang áp dụng chỉ đạt 67 - 70% mức sống tối thiểu. Trong khi các quốc gia có mức phát triển cao hơn Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đều có mức thu nhập thấp hơn so với năng suất được tạo ra và thường rơi vào những lao động phổ thông. Tại Bangladesh với ngành xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới nhưng mức lương của công nhân chỉ khoảng 50USD/người/tháng. Công đoàn, người lao động thường xuyên biểu tình để đòi tăng mức lương lên 100USD/người/tháng.

Do vậy, ILO đề nghị phải trao cho những người lao động thêm quyền lực để họ có thể thương lượng, tranh đấu cho sự công bằng quyền lợi của tập thể. Sự thịnh vượng của toàn cầu tùy thuộc nhiều hơn vào sự nâng cao cuộc sống của những con người đang ở trong hoàn cảnh túng thiếu, thông qua chế độ tiền lương. Nhiều công ty lớn đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao đã buộc phải chú trọng việc cải thiện năng lực cạnh tranh toàn diện, trong đó khả năng cạnh tranh thu hút nhân tài thông qua các chính sách về lương và phúc lợi được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiền lương toàn cầu chưa được cải thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO