Tiên Phong hôm nay

PHẠM HOÀNG 20/12/2013 12:00

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và phát huy truyền thống làm vườn, phát triển kinh tế vườn, người dân Tiên Phong (Tiên Phước) đã tạo nên một diện mạo mới với những gam màu tươi sáng cho quê hương...

Tiên Phong là xã nằm về phía đông bắc huyện Tiên Phước, diện tích đất nông nghiệp phần lớn đều phụ thuộc vào nước trời. Vì vậy, người dân nơi đây luôn trăn trở tìm hướng phát triển sản xuất. Ngoài việc quan tâm xây dựng đập bổi, tận dụng ao hồ để tích nước, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, địa phương còn chú trọng vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý hơn. Ông Võ Xuân Anh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Cấp ủy, chính quyền khuyến khích nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như trồng bắp, đậu các loại trên chân ruộng không chủ động được nguồn nước tưới, trồng cây keo trên đất gò đồi để tăng hiệu quả sản xuất”. Nhờ đó, những khu vườn tạp, vườn đồi hoang hóa được cải tạo thành những vườn tiêu, dó bầu và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác. Đặc biệt là diện tích cây keo phát triển khá nhanh. Riêng năm 2013 nhân dân trong xã đã thu hoạch trên 30 ngàn tấn keo nguyên liệu, thu về hơn 30 tỷ đồng.

Với cơ ngơi này, Trạm Y tế xã Tiên Phong có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ảnh: P.H
Với cơ ngơi này, Trạm Y tế xã Tiên Phong có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ảnh: P.H

Phong trào trồng rừng phát triển mạnh vừa tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vừa tạo công ăn việc làm ổn định. Anh Nguyễn Kiêm - người dân thôn 2 nói: “Cây keo dễ trồng, lại có thu nhập khá ổn định nên ngoài thời gian làm vườn làm ruộng, vợ chồng tôi gắn bó với rừng keo đã mấy năm nay. Tuy chưa khá giả gì nhưng cũng có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống, cho con ăn học”. Phát huy truyền thống làm vườn, vườn rừng, người dân Tiên Phong đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện số hộ nghèo của cả xã chỉ còn dưới 8%, giảm gần 6,5% so với năm 2012. Điều đáng ghi nhận nữa là, bên cạnh với việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình, người dân trong xã còn chú trọng việc học hành của con em mình. Bình quân mỗi năm Tiên Phong có hơn 30 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Nhiều người sau khi học hành thành tài đã có những đóng góp tích cực để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Diện mạo vùng quê Tiên Phong hôm nay đã khởi sắc. Dọc tuyến đường chính của xã nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ trước đây. Các tiệm tạp hóa, quán xá ngày càng nhiều thêm, kinh doanh nhiều chủng loại hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhân dân. Các loại hình dịch vụ từ ăn uống, vận tải đến phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp hoạt động sôi nổi. Cụm công nghiệp Tài Đa chính thức khởi động với nhà máy băm dăm gỗ nguyên liệu  với công suất 90 ngàn tấn nguyên liệu mỗi năm, bước đầu giải quyết việc làm cho trên 60 lao động địa phương. Trạm Y tế xã đã được tầng hóa phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hệ thống giao thông nông thôn đã được bê tông hóa trên 20km, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ở các xóm thôn. Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Tiên Phong đã huy động người dân chung tay góp sức xây dựng quê hương.

Vùng quê Tiên Phong hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt. Đó là điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy...

PHẠM HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiên Phong hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO