Hơn 3 năm qua, Tiên Phước là địa phương thực hiện khá thành công chương trình OCOP với 28 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Đáng ghi nhận, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Phước, giai đoạn 2018 - 2020, bằng nhiều kênh vốn huy động, địa phương đầu tư hơn 20 tỷ đồng cho việc thực hiện chương trình OCOP. Với nguồn kinh phí vừa nêu, địa phương chủ yếu ưu tiên hỗ trợ các chủ thể xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết lập bao bì - nhãn mác, đăng ký thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm...
Tính đến cuối năm 2020, Tiên Phước có tổng cộng 28 sản phẩm của 20 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 18 sản phẩm 3 sao và 10 sản phẩm 4 sao. Đây là huyện dẫn đầu cả tỉnh về số sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho rằng, sản phẩm OCOP muốn phát triển bền vững nhất thiết gắn với vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ lâu dài và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP, UBND huyện tập trung chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp cùng ngành liên quan, chính quyền các địa phương chú trọng công tác quy hoạch và linh hoạt lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ.
Thời gian qua tại Tiên Phước bước đầu đã có các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia xây dựng vùng nguyên liệu gắn kết với sản phẩm OCOP. Điển hình có HTX Nông nghiệp Phước Tuyên xây dựng dự án liên kết với 50 hộ nông dân ở một số xã trên địa bàn huyện thực hiện tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây lòn bon để cung ứng nguồn nguyên liệu cho HTX chế biến sản phẩm rượu vang lòn bon.
HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên Mỹ liên kết với các nhóm hộ ở địa phương trồng chuối nuôi cấy mô để cung cấp nguyên liệu cho HTX chế biến chuối ép. Hay như HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên An thì liên kết với nông dân trên địa bàn xã sản xuất nếp cái Hương Bầu với quy mô 6ha theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm...
Ông Mai Minh Nguyệt cho biết, triển khai Đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại và du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025, những năm qua Tiên Phước đã hỗ trợ xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung quy mô tương đối lớn gắn với thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện một cách bền vững. Số dự án liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương tăng lên khá nhanh.
“Hiện nay, toàn huyện có tổng cộng 50 HTX, trong đó có 41 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều HTX đã thực hiện mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất - chế biến - đóng gói - bảo quản sản phẩm, kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tạo việc làm cho lao động nông thôn” - ông Nguyệt nói.