(QNO) - UBND huyện Tiên Phước đã thông tin như vậy tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp theo Nghị quyết số 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện vào chiều nay 8/8. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh chủ trì cuộc làm việc.
Báo cáo tại cuộc làm việc, lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước cho biết, đến nay, huyện đã triển khai thực hiện dự án tại 3 xã Tiên Phong, Tiên Lộc, Tiên Hà. Tại xã Tiên Phong (đơn vị làm điểm), đã hoàn thành công tác đo đạc ngoài thực địa, soát xét lại danh sách, diện tích đã đo đạc của các hộ gia đình/cá nhân theo nhu cầu trên thực tế so với khối lượng dự toán được duyệt.
Trên cơ sở đó thực hiện kiểm tra, giám sát và tiếp tục hoàn thiện, biên tập bản đồ trình Sở TN-MT phê duyệt làm cơ sở cho công tác kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ. Hai xã Tiên Lộc, Tiên Hà đã hoàn thành công tác đo đạc và thực hiện việc soát xét lại khối lượng và biên tập bản đồ.
Theo Sở TN-MT, đến thời điểm này toàn huyện Tiên Phước đã đo đạc 866,89ha/12.742,14ha, chiếm 6,80% so với Thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt. Chưa thực hiện công tác kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ.
Đối với 12 xã chưa triển khai thực hiện, gồm: Tiên Sơn, Tiên An, Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Mỹ, Tiên Thọ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Cẩm, Tiên Lãnh và Tiên Lập với khối lượng đo đạc khoảng 10.031,32ha, với khoảng 3.530 giấy CNQSDĐ.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, qua nửa chặng đường triển khai Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh, nhưng tiến độ thực hiện tại Tiên Phước rất thấp so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện Tiên Phước chỉ đạo UBND huyện tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai, trước hết là đánh giá, rút kinh nghiệm tại đơn vị điểm, rồi triển khai tại các địa phương khác.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh cũng lưu ý, việc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 07 phải hết sức chặt chẽ, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan; giữa cấp huyện và các ngành chuyên môn của tỉnh đảm bảo mục tiêu cuối cùng là phải cấp được GCNQSDĐ lâm nghiệp theo nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.