Do hệ thống thủy lợi manh mún, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, Tiên Phước chủ động phương án đảm bảo nước tưới sản xuất vụ hè thu này.
Khó khăn đầu vụ
Thời vụ gieo sạ vụ hè thu đã qua hơn 10 ngày nhưng đến nay nông dân Tiên Phước mới chỉ gieo sạ được khoảng 1.200ha trong tổng số hơn 1.550ha ruộng vụ hè thu do thiếu nước. Đối với diện tích đã gieo sạ thì hàng trăm héc ta bị khô hạn.
Ông Ngô Văn Hòa - Phó Ban nông nghiệp xã Tiên Mỹ cho biết: “Nắng nóng kéo dài làm hệ thống hồ, đập khô cạn nên toàn xã chỉ gieo sạ được 90ha/135ha ruộng; trong đó hơn 50ha bị khô nước”.
Ông Võ Dung, ở tại thôn Mỹ Thượng Tây, xã Tiên Mỹ chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 4 sào ruộng. Do không có nguồn nước tưới nên chỉ sản xuất ăn chắc một vụ đông xuân, còn vụ hè thu năm nào cũng bị khô hạn, thiệt hại. Hiện cả 4 sào của gia đình tôi đều đã khô nước gần nửa tháng nay nếu trong những ngày tới không có mưa thì coi như mất trắng”.
Không riêng cây lúa, nhiều loại cây trồng cạn, cây trồng lâu năm cũng bắt đầu bị khô héo do nắng nóng gay gắt. Ông Phạm Dục ở tại thôn 7B, xã Tiên Cảnh, nói: “Nhà tôi có khoảng 2 sào ruộng đã bị khô nước hơn chục ngày nay, mặt ruộng nứt nẻ, coi như bỏ. Còn khu vườn nhà các loại chuối và cây ăn quả khác cũng có dấu hiệu thiếu nước nhưng giếng cũng chỉ còn hơn 1 mét nước phải ưu tiên cho sinh hoạt trước, các loại cây trồng chỉ tưới cầm chừng, chờ mưa”.
Theo ước tính của ngành nông nghiệp huyện nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng khả năng diện tích ruộng, đất nông nghiệp và vườn bị khô hạn của huyện lên đến hơn 2.600ha. Trong đó có hơn 400ha vườn cây ăn quả và cây dược liệu nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chủ động chống hạn
Hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo đề án 548 của UBND huyện, ông Võ Tấn Sơn ở tại thôn 3 xã Tiên Lãnh cải tạo hơn 2ha khu vườn rừng nằm cạnh sông Tum để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Để đảm bảo nguồn nước tưới, ông Sơn đầu tư xây dựng một bể chứa lớn trên vị trí cao nhất của khu vườn, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt và hút nước từ sông Tum. Nhờ có nguồn nước tưới đầy đủ, thường xuyên nên các loại cây trồng phát triển xanh tốt.
Ông Sơn chia sẻ: “Trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, muốn làm vườn trước hết phải đảm bảo cho được nguồn nước tưới. Vì vậy tôi quyết định vị trí này để tận dụng nguồn nước khá dồi dào của sông Tum”.
Không có lợi thế gần sông như ông Võ Tấn Sơn, ông Nguyễn Vịnh Liêm ở tại thôn 3, xã Tiên Sơn cũng chú trọng khâu đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vườn cây ăn quả rộng hơn 1ha bằng cách khai thác mạch nước ngầm. Mặc dù đang trong quá trình xây dựng, số lượng cây trồng chưa nhiều và đã có nguồn nước tự chảy bắt từ núi về khá thường xuyên nhưng ông Liêm vẫn quyết định đầu tư xây dựng 1 giếng khoan sâu 80m với kinh phí khoảng 40 triệu đồng để đáp ứng nguồn nước tưới ổn định. Ông Liêm chia sẻ: “Sợ nắng nóng kéo dài, nguồn nước tự chảy rồi cũng sẽ cạn kiệt nên dù chi phí cao tôi vẫn quyết định chọn giếng khoan làm giải pháp thay thế”.
Theo bà Lê Thị Sáu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước, căn cứ dự báo của ngành khí tượng thủy văn, vụ hè thu năm nay lượng mưa trên địa bàn tỉnh có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ đầu năm phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng và triển khai phương án phòng chống hạn đến các địa phương. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ mua ống dẫn nước, xây dựng hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, đập bổi cho một số vùng trọng điểm với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
“Trong lúc chờ kinh phí để triển khai phương án, huyện chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ và tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án để tăng cường năng lực chống hạn. Trong đó, tập trung đào ao, nạo vét giếng, khai thông hệ thống kênh mương, phát huy tối đa các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra. Huyện cũng vận động nhân dân chuyển đổi được gần 60ha ruộng bấp bênh nước sang trồng ngô, đậu phụng, trồng cỏ nuôi bò và một số loại cây trồng cạn khác bước đầu đem lại kết quả khả quan” - bà Lê Thị Sáu nói.
Phát hành tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương huyện Tiên Phước
Huyện ủy Tiên Phước vừa công bố phát hành tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương huyện Tiên Phước. Tài liệu này gồm có 6 chương; trong đó chương I, chương II: khái quát nét đặc trưng của đất và người Tiên Phước, những mốc son lịch sử tiêu biểu trên địa bàn huyện; chương III và chương IV: khái quát những phong trào lớn sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng, giới thiệu danh nhân, chí sĩ, gương trung kiên tiêu biểu trên địa bàn…; chương V và chương VI: khái quát sơ lược về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn và sơ lược về các kỳ đại hội Đảng bộ huyện từ năm 1946 đến nay.
Việc đưa tài liệu lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường học có ý nghĩa sâu sắc, giúp học sinh hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển, những truyền thống tốt đẹp của quê hương, ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII và công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII. (LỘC YÊN)
Thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh
Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tiên Phước vừa tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm “30 ngày hành động sáng tạo, quyết thắng” chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nội dung, chỉ tiêu thi đua tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XIII; nhiệm vụ chính trị trung tâm của lực lượng vũ trang. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện... Triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận, vận động quần chúng xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thời gian đợt thi đua diễn ra từ ngày 3.6 đến ngày 3.7.2020. (N.HƯNG)
Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Tiên Phước
UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Tiên Phước. Tiên Phước có tổng diện tích tự nhiên hơn 45,4 nghìn héc ta, trong đó hơn 41,6 nghìn héc ta đất nông nghiệp, hơn 3,58 nghìn héc ta đất phi nông nghiệp và hơn 245ha đất chưa sử dụng. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ thu hồi hơn 238ha đất nông nghiệp, hơn 48ha đất phi nông nghiệp, gần 2ha đất chưa sử dụng; đồng thời đưa 1,89ha đất phi nông nghiệp chưa sử dụng vào sử dụng năm 2020.
UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tiên Phước chịu trách nhiệm công bố công khai kế hoạch sử dụng đất; huy động nguồn lực đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2020, thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai tại địa phương; cập nhật các danh mục dự án kế hoạch sử dụng đất 2020 vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. (CHÂU NỮ)