(PRX) - Năm 2022 là năm mà toàn hệ thống chính trị huyện Tiên Phước vào cuộc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau 3 năm liên tiếp đời sống bị xáo trộn bởi dịch bệnh. Báo Quảng Nam Xuân Quý Mão đã có cuộc trao đổi với ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước về tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm qua.
* Thưa ông, trong năm 2022, Tiên Phước đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội như thế nào?
Ông Trầm Quế Hương: Năm 2022, toàn huyện đã tập trung nỗ lực giải quyết các tồn tại, hạn chế, tăng cường chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện đảm bảo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trọng điểm của UBND tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện trên tất cả các lĩnh vực.
Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ phục hồi và tăng trưởng mạnh, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai và dịch bệnh COVID-19. Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, tạo sức lan tỏa lớn.
Các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, đất đai tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực. Hoạt động thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, các lễ lớn trong năm được tổ chức trang trọng, chu đáo.
Công tác tiêm phòng COVID-19 được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Giáo dục đào tạo đạt nhiều thành tích cao. Việc thăm hỏi, chi trả các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội chu đáo, kịp thời, đúng quy định.
* Vậy Tiên Phước đã đạt những kết quả cụ thể nào, thưa ông?
Ông Trầm Quế Hương: Tổng thu ngân sách nhà nước của huyện ước đạt 106.915 triệu đồng, đạt 112,7% dự toán huyện giao và đạt 138,2% so với dự toán tỉnh giao, tăng 7,7% so với năm 2021. Việc phân bổ ngân sách thực hiện kịp thời, đúng quy định, tổng chi ngân sách địa phương 696.725 triệu đồng, đạt 129,1% dự toán huyện giao.
Năm 2022, ngành sản xuất nông lâm nghiệp toàn huyện phục hồi mạnh sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai, tổng giá trị sản xuất ước đạt 754,946 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,03%/5%KH, vượt kế hoạch đề ra.
Tập trung hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh với 654 hồ sơ đăng ký, kinh phí trên 72,3 tỷ đồng.
Tổ chức thẩm định phương án cho 220 hộ/15 xã, thị trấn đăng ký thực hiện năm 2022, với tổng kinh phí trên 8,8 tỷ đồng, giải ngân hỗ trợ cho nhân dân đạt 100% kế hoạch vốn tỉnh giao (8 tỷ đồng).
Chú trọng triển khai các dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 712 triệu đồng, có nhiều mô hình tiêu biểu.
Huyện đã tập trung rà soát, điều chỉnh Đề án xây dựng huyện Tiên Phước đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025. Tiếp tục triển khai xây dựng 7 xã nông mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện kịp thời việc rà soát, đánh giá việc xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới để triển khai đảm bảo tiến độ đề ra. Qua rà soát, kiểm tra, đánh giá, tiêu chí huyện nông thôn mới đạt 3/9 tiêu chí, 6 tiêu chí còn lại đã đạt trên 70%; toàn huyện đạt 238 tiêu chí, bình quân 17 tiêu chí/xã, giảm 5 tiêu chí so với cuối năm 2021.
Có 12 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; dự kiến đến cuối năm 2022 có thêm 8 thôn được công nhận, nâng tổng số đạt chuẩn lên 20/77 thôn, tỷ lệ 26%.
Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển du lịch huyện Tiên Phước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được xây dựng, và huyện tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch Làng văn hóa Lộc Yên vào cuối tháng 12/2022.
Công tác xã hội, giảm nghèo năm 2022 được quan tâm, ước tính đến cuối năm 2022, toàn huyện giảm thêm 51/51 hộ nghèo, 26/14 hộ cận nghèo, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022.
* Xin cảm ơn ông!