Trước tình trạng lấn chiếm đất rừng tự nhiên trái phép để “hợp thức hóa” diện tích trồng rừng nguyện liệu, huyện Tiên Phước đang siết chặt quản lý, bảo vệ rừng; tính toán thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý các trường hợp lấn chiếm, phá rừng trái phép trên địa bàn, xây dựng phương án cắm mốc phân ranh giới rừng.
Dai dẳng lấn chiếm đất rừng
Thời gian qua, do nhu cầu về đất sản xuất và hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nguyên liệu đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tiên Phước, nhất là người dân ở các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Cẩm, Tiên Châu, Tiên Lập… đã tự ý lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng keo.
Qua rà soát giai đoạn 2012 - 2019 trên địa bàn huyện Tiên Phước có hơn 3.000ha đất rừng tự nhiên và rừng phòng hộ bị người dân lấn chiếm chuyển qua đất trồng keo; trong đó riêng xã Tiên Lãnh có hơn 2.100ha bị người dân lấn chiếm trồng keo.
Ông Lê Minh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lãnh cho biết, địa phương có hơn 5.700ha đất lâm nghiệp phân theo chức năng 3 loại rừng (đất rừng phòng hộ 2.500ha, đất rừng sản xuất gần 3.200ha); đất rừng đã cấp cho dân gần 1.400ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép là người dân có nhu cầu về đất sản xuất nông nghiệp.
Các đối tượng phá rừng không làm ồ ạt cùng một lúc mà ban đầu chặt hạ những cây nhỏ, rồi đến dây leo, tre, nứa…; sau đó làm sạch đất rừng để trồng keo. Do vậy, khi rừng bị phá với diện tích lớn nhưng cơ quan chức năng vẫn chậm phát hiện. Riêng năm 2022 xã Tiên Lãnh phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện, xử lý 10 vụ phá rừng nhỏ, khai thác gỗ, lâm sản trái phép trên địa bàn.
“So với thời điểm trước năm 2017 thì gần đây các vụ vi phạm pháp luật liên quan lấn chiếm đất rừng trên địa bàn giảm rõ rệt, tính chất các vụ việc không còn phức tạp. Tuy nhiên, các đối tượng phá rừng vẫn tinh vi, manh động tìm mọi cách đối phó, chống đối lại lực lượng chức năng.
Mới đây, khi lực lượng chức năng thuê ghe của người dân tuần tra lòng hồ thủy điện Sông Tranh để kiểm tra tình trạng phá rừng đầu nguồn, hôm sau chiếc ghe đó bị đâm thủng thả chìm xuống lòng hồ thủy điện” - ông Sơn thông tin.
Tăng cường quản lý
Từ năm 2015 - 2022, lực lượng kiểm lâm cùng với các ngành liên quan của huyện Tiên Phước tổ chức 423 đợt tuần tra, truy quét các tụ điểm phá rừng trái phép. Theo đó xử lý 212 vụ vi phạm pháp luật về rừng. Xử phạt vi phạm hành chính 126 vụ với hơn 643 triệu đồng; xử lý 86 vụ vi phạm hình sự liên quan phá rừng; diện tích rừng bị xâm hại gần 280ha.
Ông Đặng Văn Tiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước cho rằng, lực lượng kiểm lâm địa bàn còn mỏng, các vụ lấn chiếm đất rừng, phá rừng sau khi kiểm tra phát hiện đôi lúc còn chậm. Việc người dân lấn chiếm đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sau đó chuyển sang đất lâm nghiệp sản xuất, đất trồng keo nên kiểm lâm rất khó giải quyết, xử lý.
“Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân chung tay cùng với lực lượng kiểm lâm trong việc phát hiện, tố giác các hành vi hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái phép…” - ông Tiến nói.
Ông Phan Văn Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước cho biết, Huyện ủy đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiên quyết thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép, thu hồi diện tích rừng đã giao, cho thuê mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Phân định rõ vai trò trách nhiệm của các lực lượng liên quan, các cấp chính quyền để có trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
“Thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý các trường hợp lấn chiếm, phá rừng trái phép trên địa bàn, tính phương án cắm mốc phân ranh giới rừng” - ông Dương khẳng định.