Mặc dù mỗi năm huyện
Vụ đông xuân 2013 - 2014, hộ ông Phan Thanh Lục (thôn 4, xã Tiên Phong) chọn giống ngắn ngày gieo sạ 5 sào lúa. Hiện nay, diện tích lúa của gia đình ông Lục và nhiều người dân trong thôn không thể phát triển tốt, ruộng khô, lúa bắt đầu vàng lá do thiếu nước trong thời gian dài. Bà con đang cùng nỗi lo thường trực không có nước để lúa đẻ nhánh và trổ nếu những ngày tới trời không có mưa. Và nguy cơ mất mùa đang hiện hữu. Ông Lục nói: “Vụ đông xuân mấy năm, tôi gặt được vài chục ang, còn năm ni chắc không được bao nhiêu vì dự đoán trời sẽ khô hạn”. Còn bà Võ Thị Tâm (thôn 4, xã Tiên Phong) cho biết: “Năm nào có mưa nhiều thì lúa tốt, năm mưa ít thì lúa trổ bị hư hại. Vì thế chúng tôi phải mua gạo miết, làm lúa mà vẫn mua gạo”.
Trong 2 năm 2013-2014, huyện Tiên Phước bố trí ngân sách khoảng 2,6 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa những hồ đập xuống cấp, nâng cấp hệ thống kênh mương. Thế nhưng nguồn kinh phí này quá ít so với nhu cầu hơn 100 tỷ đồng để đầu tư kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ tưới cho 7.200ha đất sản xuất. Trong tổng số diện tích sản xuất lúa đông xuân (hơn 4.230ha), có đến gần 1.245ha không có hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất, nông dân đành… chờ trời. Ông Hường Văn Minh – Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết thêm: “Tỷ lệ ruộng chủ động nước tưới của huyện rất thấp, chỉ khoảng 30%. Trên địa bàn Tiên Phước hiện nay không có hồ đập nào có khả năng tưới lớn cả, riêng hồ Đá Vách cũng chỉ tưới 16ha trên thiết kế 100ha. Ngoài ra các hồ Thành Công ở Tiên An, hồ Thắng Lợi ở Tiên Sơn, đập Phấn ở Tiên Phong đều có tỷ lệ tưới thấp. Do các hệ thống đập trước đây đều đắp bằng thủ công, hệ thống kênh mương xuống cấp nên dẫn đến tỷ lệ tưới tiêu mỗi khi vào vụ mùa rất thấp”.
Cùng với cây lúa thì phát triển kinh tế vườn đang là định hướng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn mới. Huyện Tiên Phước lập kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước khép kín phục vụ tưới cho 3.415ha đất vườn, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân 15 xã, thị trấn. Tiên Phước phấn đấu đến năm 2015 phải có 3.600ha (khoảng 50%) diện tích đất sản xuất lúa, đất vườn đảm bảo được nước tưới cho bà con nông dân, nhưng xem ra mục tiêu này khó có thể hoàn thành khi nguồn ngân sách của huyện vẫn còn hạn hẹp.
TẤN CHÂU - DUY BÌNH