Những năm qua, trên địa bàn huyện Tiên Phước có gần 3.500 hộ dân trồng dó bầu với diện tích khoảng 980ha. Theo đó, nghề sản xuất trầm hương, trầm cảnh ngày một phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có được những kết quả trên nhờ huyện có nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh khuyến công, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trầm hương liên kết, tạo nên sản phẩm trầm hương đặc trưng của địa phương.
Tạo dáng trầm cảnh. Ảnh: T.B |
Năm 2008, gia đình ông Nguyễn Đức (xã Tiên Châu) mua 200 cây dó bầu về trồng trong khu vườn nhà mình. Qua 5 năm, cây dó có thể cấy ghép tạo trầm, tuy nhiên ông Đức luôn canh cánh nỗi lo vì thiếu kiến thức, phương pháp tạo trầm lẫn đầu ra cho sản phẩm. Lâu nay nông dân như ông Đức vẫn dựa vào kinh nghiệm cá nhân và tự mày mò phương thức tạo trầm nên hiệu quả không cao. Ông cho biết: “Hầu hết nông dân trồng dó bầu đều thiếu kiến thức trong việc cấy tạo trầm và một điều nữa là giá cả bấp bênh. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đến nhà thu mua nhưng ép giá nên trừ đi chi phí và công chăm sóc tôi thu lời không đáng kể. Chúng tôi mong muốn huyện tổ chức các chương trình tập huấn nhằm chuyển giao kỹ thuật, giúp nông dân chăm sóc cây dó cũng như cách tạo trầm hiệu quả”.
Đứng trước nỗi lo của nông dân, huyện Tiên Phước quyết định thành lập Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước vào tháng 4.2013 với 25 hội viên. Từ khi Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước đi vào hoạt động với nhiều cơ chế hỗ trợ về kỹ thuật trồng và tạo trầm cũng như giải quyết các khó khăn về đầu ra cho sản phẩm đã giúp nông dân trồng dó bầu và các cơ sở sản xuất kinh doanh trầm hương trên địa bàn yên tâm hơn. Ông Trương Công Lương - Phó Chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước cho biết thêm: “Về lâu dài, hội sẽ hỗ trợ các hội viên thông tin chính sách khuyến công, quảng bá sản phẩm để trầm hương Tiên Phước xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Đây là cầu nối để các hội viên của hội có một tiếng nói chung trong khâu tổ chức sản xuất và xuất khẩu hàng hóa”.
Chủ trương xây dựng làng nghề sản xuất trầm hương tập trung trên địa bàn huyện Tiên Phước là hướng đi phù hợp nhằm giải quyết các khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm hương. Đồng thời mở ra cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh trầm hương mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao tay nghề, cải tiến chất lượng sản phẩm và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ông Dương Văn Thủ, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tiên Phước cho biết, nhằm giúp Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước hoạt động hiệu quả, huyện sẽ hỗ trợ cho hội để phát triển dần thành một làng nghề tập trung. Đồng thời tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trầm hương của nông dân đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các hội chợ thương mại…
THÁI BÌNH - XUÂN HIẾU