Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) giai đoạn 2012 - 2020”, Quảng Nam đã tạo được nhiều chuyển biến quan trọng.
Vào cuộc quyết liệt
Khi Nghị quyết 21-NQ/TW (NQ 21) ra đời vào tháng 11.2012, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên có sự chỉ đạo sát sao từ Tỉnh ủy. Tháng 3.2013, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 23, và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1436, theo tinh thần của NQ 21 và bám sát đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Các sở, ban, ngành và các địa phương ở tỉnh đã ngay lập tức ban hành các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, triển khai thực hiện trong toàn dân.
Còn nhớ thời điểm trước khi NQ 21 ra đời, dường như việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT được xem là việc của riêng ngành BHXH, các ngành, địa phương không mấy quan tâm. Với người dân, khi được hỏi về chế độ chính sách liên quan đến BHXH, BHYT thì tỏ ra thờ ơ, không biết nhiều về chính sách, thậm chí có người hoàn toàn không có thông tin về các chính sách này. Thế nhưng, khi NQ 21 ra đời, toàn hệ thống chính trị vào cuộc, đến thời điểm này, chính sách BHXH, BHYT đã bao phủ rộng khắp. Mỗi ngành, địa phương đều xem đó là trách nhiệm và cùng với ngành BHXH, ngành y tế thực hiện chính sách sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân ngày càng quan tâm hơn đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ảnh: D.L |
Khẳng định tầm quan trọng của NQ 21, ông Phạm Văn Lại - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “NQ 21 ra đời đã tạo bước chuyển biến vô cùng quan trọng trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tại Quảng Nam. Từ đó, vị trí và vai trò của chính sách BHXH, BHYT được nâng tầm, và là chính sách an sinh xã hội mang tính bền vững. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhằm tiến đến BHYT toàn dân được xem là việc chung của cả xã hội chứ không còn là trách nhiệm của riêng ngành BHXH nữa. Và điều quan trọng là các mục tiêu đặt ra trong đề án tiến tới nền BHYT toàn dân của Quảng Nam đều có thể đạt được theo đúng lộ trình”.
Kết quả khả quan
Chuyển biến rõ nét nhất từ sau khi thực hiện NQ 21 đến nay là việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Theo số liệu từ cơ quan BHXH tỉnh, đến ngày 30.9.2015, toàn tỉnh có hơn 139 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện (tăng hơn 24 nghìn người so với cuối năm 2012); có hơn 120 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng hơn 29 nghìn người); và hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT (tăng hơn 159 nghìn người). Các khoản thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2013 đến nay đều đạt và vượt kế hoạch so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao thực hiện. Điều đáng chú ý là việc thu hồi nợ đọng dù chưa dứt điểm nhưng vẫn có chuyển biến tốt hơn, khi các doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm hơn đến quyền lợi của người lao động.
Theo ông Lại, từ khi NQ 21 ra đời đến nay, các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH nhằm phục vụ đối tượng đều được đổi mới, đi vào chiều sâu. “Đáng chú ý nhất là hoạt động tuyên truyền và cải cách hành chính đều được đẩy mạnh trong thời gian qua. Nhờ hoạt động tuyên truyền đi vào chiều sâu, đến tận cơ sở, gặp trực tiếp nhân dân, đối tượng, người lao động nên hiệu quả mang lại rất rõ nét. BHXH từ tỉnh đến huyện, thành phố đều tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ đối tượng, lấy mục tiêu là sự hài lòng của đối tượng làm thước đo đối với từng cá nhân, đơn vị” - ông Lại thông tin. Các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh đều tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ, hoạt động chuyên môn. Mọi hồ sơ của đối tượng đều được giải quyết nhanh chóng, đúng chế độ quy định và đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành. Hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” tại BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quan hệ công tác, BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức làm việc vào buổi sáng thứ Bảy hàng tuần để tiếp nhận, trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân.
Mục tiêu chủ chốt trong thực hiện NQ 21 chính là tiến tới nền BHYT toàn dân, với đích đến của cả nước vào năm 2020 là độ bao phủ BHYT đạt tỷ lệ 80%. Riêng Quảng Nam đã vượt xa con số đề ra vào năm 2020 của cả nước, khi tính đến 30.9.2015, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 85,6% dân số toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 82% vào cuối năm 2015. Theo ước tính của BHXH tỉnh, đến năm 2020, Quảng Nam hoàn toàn đủ tự tin tiến đến nền BHYT toàn dân, với tỷ lệ đạt từ 95% trở lên. Và chất lượng khám chữa bệnh cũng phải song hành cùng với số lượng đối tượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng lên. Ngành y tế 2 năm trở lại đây đã cùng phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH kiểm soát việc khám chữa bệnh BHYT, giảm phiền hà cho người đi khám chữa bệnh, đảm bảo về cung cách phục vụ cũng như đội ngũ y bác sĩ lành nghề.
DIỄM LỆ