Huyện Phú Ninh là địa phương đầu tiên vừa được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp huyện. Đây là tiền đề Quảng Nam tiến tới loại trừ bệnh phong trên phạm vi toàn tỉnh.
Chăm sóc bệnh nhân phong tại nhà. Ảnh: Y.T.P.N |
Phú Ninh về đích
Ở Quảng Nam, bệnh phong lưu hành tại 72 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố với 135 bệnh nhân được quản lý, chăm sóc và điều trị. Riêng Phú Ninh có 15 bệnh nhân cư trú tại 7 xã của huyện và đều nằm trong diện chăm sóc tàn tật. Huyện Phú Ninh đạt các tiêu chí loại trừ bệnh phong năm 2018, được Sở Y tế đánh giá là nỗ lực rất lớn của chính quyền, ngành y tế địa phương cũng như sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phong Quy Hòa. Bác sĩ Phan Đình Mỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, 11/11 xã của huyện có nhân viên chuyên trách phong - da liễu. Công tác tuyên truyền về bệnh phong được ngành y tế duy trì thường xuyên với nhiều hình thức, qua đó, sự hiểu biết về bệnh phong của nhân dân được tăng lên.
Thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp với ngành GD-ĐT lồng ghép công tác tuyên truyền về bệnh phong trong học đường bằng cách tổ chức giảng dạy và kiểm tra kiến thức về bệnh phong cho học sinh. “Đây là một kênh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh phong rất hiệu quả. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý và chăm sóc tốt bệnh nhân, hướng dẫn chăm sóc tàn tật thường xuyên tại nhà. Hàng năm thực hiện khám toàn dân, khám tiếp xúc và khám da liễu, không để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với các bệnh nhân phong và gia đình của họ” - bác sĩ Phan Đình Mỹ nói. Bệnh nhân phong trên địa bàn huyện được cán bộ y tế theo dõi chặt chẽ về mức độ tàn tật và hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà. Ngành y tế huyện cũng phối hợp với Bệnh viện Quy Hòa đo, làm chân giả cũng như tư vấn giám sát phòng chống tàn tật cho bệnh nhân. Ông H. (xã Tam Lộc) chia sẻ, sau khi được điều trị trong 2 năm, ông tiếp tục được chăm sóc tàn tật liên tục. Ông H. cảm động nói: “Những người bị bệnh phong như tôi thường bị xa lánh nhưng cán bộ y tế ở huyện và xã không ngại chăm sóc. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn sự tận tình của các bác sĩ...”.
Tiến tới loại trừ bệnh phong
Từ năm 2006, Quảng Nam đã được Bộ Y tế công nhận là tỉnh đạt 4 tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh. Từ đó đến nay, công tác phòng chống bệnh phong tiếp tục được triển khai, vừa duy trì bền vững kết quả đạt được trước đó vừa phấn đấu đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện trong giai đoạn 2018 - 2020. Theo bác sĩ Ca Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu Quảng Nam, bệnh phong không gây chết người. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến để lại tàn tật, di chứng trầm trọng cho người bệnh và lây bệnh cho cộng đồng. Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Phú, công tác loại trừ bệnh phong cấp huyện ở Quảng Nam còn gặp một số khó khăn do địa bàn quá rộng, lại thiếu nhân lực quản lý hồ sơ sức khỏe nói chung và bệnh phong nói riêng. Đời sống và dân trí của một bộ phận dân cư còn thấp nên nhận thức về bệnh phong cũng như về chăm sóc sức khỏe nói chung còn hạn chế; cán bộ chuyên trách phong kiêm nhiệm nhiều chương trình; đa số xã, thị trấn còn thiếu bác sĩ... cũng là những cản ngại trong việc loại trừ bệnh phong.
Tuy vậy, ngành y tế vẫn quyết tâm đặt ra kế hoạch loại trừ bệnh phong cấp huyện đối với Nông Sơn, Núi Thành và Bắc Trà My vào năm 2019. Năm 2020 dự kiến tiếp tục loại trừ bệnh nhân trên quy mô cấp huyện đối với 3 địa phương nữa; theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh giao, tiến tới loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp huyện. Để được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện, địa phương phải đạt 4 tiêu chí: trong 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân; 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng; 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong; 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.
CHÂU NỮ