Nhớ ngày nhỏ, tôi thường trốn cha mẹ cùng chúng bạn vào rừng sác ngập mặn (rừng này sau giải phóng bị chặt hạ biến thành ruộng gieo trồng lúa – nhưng không thành công, giờ nghe đâu được nhà nước đầu tư tái tạo hệ sinh thái bằng việc trồng rừng dừa nước) để bắt chim, hốt trứng chim. Hay theo bác Hai Kha vào vùng Hóc Cỏ để bẫy chim xanh; theo cậu Năm Ảnh qua vùng Gò Mè để rập cu cườm, cu ngói. Thỉnh thoảng được Sáu Du cho đi theo ghe máy sang Hòn Chim xem bắn súng hơi, bẫy bắt chim gù ghì. Từ tổ chim trên chạc ba cây mắm hay tổ chim trong bộng cây bần già mép nước đến những tổ con dồng dộc trên chót vót ngọn tre, trên ngọn thân dừa nước đều không thoát bàn tay nghịch ngợm của lũ trẻ chúng tôi thời ấy. Giờ thì có đi tìm đỏ mắt cũng không có! Không biết lũ dồng dộc, áo già (trông giống loại chim sẻ nhưng lông màu vàng, nâu) và các loài chim khác, nay bay đi hết hướng nào!
Hồi ấy tôi còn được cha mẹ “phân công” đi đuổi chim, được ngồi trong chòi canh dựng tạm nơi bờ ruộng hoặc cắm ông bù nhìn – hình nộm, giăng dây treo mắc những chiếc lon rỗng (bỏ viên sỏi vào trong) quanh khoảnh ruộng, để kéo/rung, khua tạo âm thanh, hò reo dậy trời khi có lũ chim sắp sà xuống ăn lúa.
Mấy chục năm sau, chuyện bắt chim của tôi trở nên xa vời. Trưa, chợt nghe tiếng chim ríu ra ríu rít ở góc vườn nhà, phía cây mận. Tôi nhón chân ra vườn và nghe rõ tiếng chim cứ lặp lại một… điệp khúc. Chưa hết tò mò thì bên kia đường, hai thanh niên đi tới, một trong hai lên tiếng: “Đang bẫy chim đó chú!”. Quan sát kỹ, trên cành cây được ngụy trang cành lá, có một chiếc hộp nhỏ phát ra âm thanh như tiếng chim, ríu ran như chim thật. Còn phía trên là một chú chim mồi và một thanh gỗ được “phết” lên một lớp keo. Từ chú sẻ mới ra ràng đến chào mào, hoạch hoạch… đều dính đòn khi nghe “tiếng quyến rũ của đồng loại”. Thật là tinh vi và hiện đại!
Hai thanh niên rằng, đi bẫy chim như thế này, mỗi ngày được từ mươi đến đôi ba chục con chim sống, mỗi con bán được 5 – 10 nghìn đồng, còn tùy bữa… chợ. Nhiều quán nhậu đặt hàng lắm, họ nói. Tôi hình dung món khoái khẩu của thực khách sau vài ba công đoạn sơ chế. Nhìn những chú chim non chưa hoàn hồn, cố thoát ra khỏi chiếc lồng tre, tôi không khỏi chột dạ. Đưa mắt nhìn lên khoảng không trong vườn, tôi thở dài: chỉ thua một tiếng chim mồi!
BÙI MINH