Tiếng chim trong vườn phố

ĐÌNH QUÂN 20/09/2017 11:47

Có nhiều bữa nằm đọc sách thoảng nhiên từ đâu tiếng chim sẻ về lách chách ríu ra ríu rít trên xối nhà hay trong tàn cây nhiều quá. Nghe, lòng chợt vui nhưng vẫn chưa gợi lên trong tôi niềm xúc cảm gì cả. Tôi nghĩ, nhà mình mái ngói nên chim sẻ thường về làm tổ đấy thôi!  Phải chăng cái gì hễ khi quá quen thì dễ thường dửng dưng. Chợt nhớ khổ cuối bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy: “Trăng cứ tròn vành vạnh/ Kể chi người vô tình/ Ánh trăng im phăng phắc/ Đủ cho ta giật mình”. Có khi nào ta tự vấn: trong đời có bao nhiêu lần làm ta giật mình? Giật mình là chạm gần sự tỉnh ngộ. Tất nhiên thuộc tính con người thường chối bỏ và hay lãng quên nhưng có lúc chợt soi rọi chính mình mới thấy:  ồ, việc đời vẫn thường tại nhi nhiên như vầng trăng kia ngời tỏ và đánh thức lương tri của chúng ta.

Một bữa đi làm về bỗng nghe tiếng chim sẻ từ đâu về nhiều quá. Ngó quẩn quanh, không thấy. Chợt nhìn về phía bên kia đường, trên chiếc trụ điện cao thế, một chiếc bẫy chim treo lơ lửng, trong đó gắn thiết bị điện tử phát âm thanh giống hệt tiếng chim sẻ. Ngắm kỹ, tôi thấy trong chiếc bẫy một chốc lốc nhốc  những con chim sẻ bay vào và tất cả không thể bay ra được, chúng đều bị “nhốt” ở trong đó.  Khi cuộc bẫy chim đã kết thúc, người đi săn vội thu gom đồ đạc nhất là hả hê giơ cao chiếc bẫy đầy ắp chim sẻ rồi nổ xe máy chạy mất hút bỏ lại những ánh nhìn vô cảm hay gợi niềm xót xa!

Kiểu đánh bắt tận diệt hay hủy diệt môi trường sống đều do “lòng tham” của con người mà ra cả. Chúng ta từng lên án kiểu đánh bắt cá “hủy diệt” bằng lưới giã cào ven biển cũng từng phê phán những ai đã du nhập những chiếc giã cào làm ngư cụ quét sạch nhẵn cái tép, cá tôm, v.v. Hay chúng ta từng phản đối những quán nhậu trương bảng ở đây có thịt rừng hoặc bày bán chim muông v.v. Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, tất cả đều im ắng trong vô vọng. Vẫn bắt, vẫn bẫy, vẫn săn, vẫn bắn… và họ không từ một “thủ đoạn” nào mà chỉ cốt sao thu lợi cho thật nhiều. Thấy những bức ảnh từ Úc gửi về quanh đây đó chim chóc rất thân thiện với con người, kể cả ở những nước  Anh Mỹ cũng đều có cảnh tương tự như vậy. Ở đó họ luật định rất khắt khe nên không một ai  dám đụng chạm đến thú vật chim muông v.v.
Vào thời Đường, ngài Trần Huyền Trang thuở nhỏ rất thương yêu loài vật. Ông sẵn lòng đổi hoặc mua bằng mọi giá những con vật rồi tìm cách trả chúng về môi trường sống tự nhiên. Gọi phóng sinh cũng vậy. Nhưng phóng sinh trong thời hiện đại bị “biến tướng” nhiều. Tôi không nghĩ chỉ một con chim sẻ phải “xoay vần” không biết đến bao nhiêu lần. Cái cách bắt - thả, thả bắt hay bán - mua, mua bán cũng làm chim sẻ mệt đừ chứ nói gì là sống sót. Người tham tiền thì cố “bắt” thật nhiều chim; người làm phước thì cố “thả” càng nhiều càng tốt (phóng sinh)… Sự đời hễ có cung thì ắt có cầu. Đừng mong khởi điều gì hết, hãy để cuộc phóng sinh được tùy duyên. Không ai cãi được mệnh (ví như con chim sẻ) nên cứ để nó trôi lăn trong  tự nhiên, có nhân duyên ắt sẽ tựu thành.

Một trưa nào đó, nằm lắng nghe tiếng chim sẻ từ đâu về như thanh tẩy tâm hồn ta.

ĐÌNH QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng chim trong vườn phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO