Lên “nóc nhà Đông Dương” hay lần bước lưng chừng núi Một ngoài Côn Đảo, giữa mây trắng quần tụ sóng gợn điệp trùng mà vẳng nghe tiếng chuông, hồn người như đắm vào miền an lạc…
Qua cổng “Thanh vân đắc lộ” ở Fansipan. Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh |
1. Từ chùa Hạ, tức Bích Vân thiền tự, lên đến đỉnh Fansipan cao 3.143 mét, du khách sẽ lần lượt dừng chân các điểm du lịch tâm linh độc đáo. Khách đi qua đền thờ tổ, đại hồng chung (Vọng lĩnh cao đài), Vân Sơn trà quán, dừng chân bái vọng đại tượng Phật A Di Đà, qua đường La Hán, tượng Quán Thế Âm, miếu sơn thần, bảo tháp, chùa Thượng (Kim Sơn Bảo Thắng tự), nhà tổ… rồi mới “check-in” cột cờ, đỉnh Fansipan.
Nhưng do theo tàu hỏa leo núi, từ ga Đỗ Quyên phóng một mạch lên đến ga Trúc Mây, khách xem như đã vội vàng bỏ qua 600 bậc thang đá. Tôi cũng “đi tắt” theo hướng này, nên lẳng lặng lội bộ vòng xuống núi theo chiều ngược lại.
Chỉ thấp hơn “nóc nhà Đông Dương” vài chục mét, chùa Thượng là công trình lớn nhất trong quần thể tâm linh của Fansipan, nằm ở độ cao 3.091 mét. Tôi sững sờ trước bảo tự được mệnh danh là “hội tụ tinh hoa của kiến trúc chùa gỗ Việt từ thế kỷ 15 và 16”. Mây mù khiến khu tiền đường, tam bảo, nhà tổ, tháp đá, cổng tam quan… thoắt ẩn thoắt hiện, thật kỳ ảo. Ngay đại tượng Phật nằm trong nhóm tượng cao nhất Việt Nam (21,5 mét) ở bên dưới cũng “chìm” trong sương vào một ngày lặng gió.
Một góc đường La Hán. |
Trước khi dừng chân trước đại tượng Phật, tôi đi qua một cung đường lạ: đường La Hán. Con đường dài chừng 800 mét, nhưng có đến 18 bức tượng La Hán sinh động. Những bức tượng bằng đồng cao đến 2,5 mét như lẫn vào vạt rừng đỗ quyên cổ thụ. Một ngày mùa đông 2018, trên con đường đỗ quyên ấy, tôi lần lượt ngang qua tượng tổ Ca Tỳ Ma La, Hiếp Tôn Giả, Ma Ha Ca Diếp, A Nan Đà… đứng thẳng, an nhiên. Ngang qua tượng các tổ Xà Dạ Đa, Phục Đà Mật Đa, Đề Đa Ca, Cừu Ma Đa La, Tăng Già Nan Đề… đang ngồi, mỗi người một vẻ, đầy biểu cảm. Bên dưới tán đỗ quyên cành thô tuổi đời từ 100 đến 300 năm được công nhận Cây di sản Việt Nam, các vị La Hán như hiện thân để nhắc chúng sinh về sắc không, tục lụy.
Và rồi tiếng chuông chùa Hạ thức tỉnh.
Ở nơi đất và trời như níu vào nhau, cách đó không xa là cổng tam quan mang tên “Thanh vân đắc lộ” gợi mùi thiền, lại nghe tiếng chuông như từ chốn xa xăm nào đó vọng về. Sắc lạnh và rền. Lữ khách không còn nhớ mình vừa chạm đến đỉnh cao nhất Đông Dương với cảm giác chinh phục, mà ngược lại, thấy mình đang buông xả và nhìn vào sâu thẳm lòng mình để tìm nguồn an lạc.
2. Chút an lạc ấy cũng thoáng hiện nơi lưng chừng núi Một, khi tôi lần theo hàng trăm bậc đá để bước qua cổng tam quan của Vân Sơn tự ngoài Côn Đảo. Tựa lưng vào núi Một và nhìn ra vịnh Côn Sơn, chùa còn mang tên chùa Núi Một. Dân dã là thế, nhưng nhiều người bình chọn đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam.
Thú thực, trước khi ra Côn Đảo, tôi không hề tìm kiếm một sự an nhiên ở nơi mệnh danh “địa ngục trần gian”. Cho đến khi đứng ở trại số 2, trại giam Phú Hải, thấy có cả nhà thờ nhưng Pháp lập ra chỉ để đánh lừa dư luận và các đoàn giám sát quốc tế, tôi bắt đầu để ý đến nhu cầu tâm linh ở đảo. Thật trùng hợp, chính những tù nhân án chung thân cấm cố ở trại Phú Hải từng bị chính quyền Mỹ-ngụy bắt lên núi khuân đá xây chùa Núi Một, giai đoạn 1964-1965. Có nỗi đau thể xác từ phía người chẻ đá vác cây, cả những tráo trở về tinh thần khi dựng chùa có mục đích che giấu bớt sự tàn bạo. Phải đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ngôi chùa mới thực sự là chốn bình yên của người dân ngoài đảo, trở thành công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của Côn Đảo. Thêm nhiều năm sau nữa, chùa mới được trùng tu. Diện mạo của chùa bây giờ là kết quả đợt tôn tạo cuối năm 2011.
Không ở nơi nào mà nỗi đau quá khứ lại hiển hiện khắp chốn như Côn Đảo. Cánh cổng dẫn vào các trại giam bạc màu và lạnh lẽo, những căn phòng ngột ngạt, những bãi đá lởm chởm dành cho tù khổ sai, những phòng tra tấn rợn người… Tất cả được kẻ địch bày sẵn để uy hiếp những chiến sĩ cách mạng. Thoảng trong mùi khói hương nơi nghĩa trang Hàng Dương, tự dưng thèm nghe một hồi chuông. Hồi chuông tiêu trừ bớt tội lỗi ấy dường như tôi thoáng nghe qua khi dừng chân ở lưng chừng núi Một. Thoáng thấy một bạn trẻ ôm bó hoa sen đang ngược dốc lên viếng chùa, trong lòng bất chợt an nhiên…
Địa đầu chỉ là một cách gọi cho tiếng chuông vang lên ở nơi xa tít tắp. Một trên đỉnh cao nhất của Đông Dương, thanh âm có thể “giáp” trời. Một tận ngoài đảo, giao hòa với sóng nước. Ở những nơi ấy, vào những lúc ấy, lữ khách ngập tràn hân hoan.
HỨA XUYÊN HUỲNH