Tiếng Cơ Tu trên sóng quốc gia

ĐĂNG NGUYÊN 21/06/2016 09:52

Đều đặn mỗi ngày, chương trình tiếng Cơ Tu vẫn vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Đằng sau thành quả đáng tự hào ấy là nhữngnỗ lực không mệt mỏi của các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên chương trình.

Nghe tiếng… người mình

Alăng Lợi - nữ phát thanh viên vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng trong ngày đầu tiên chương trình tiếng Cơ Tu được lên sóng Đài TNVN. Đó là khoảnh khắc vào lúc 11 giờ 20 ngày 15.9.2009, hàng nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều,… sinh sống dọc dãy Trường Sơn vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc khi lần đầu tiên được nghe tiếng của “người mình”, phát trên đài phát thanh quốc gia. Ngày đó, ai cũng rưng rưng nước mắt vì xúc động, riêng Alăng Lợi đã ôm chầm đồng bào của mình mà hét lên thật to: “Vui quá đồng bào ơi, tiếng nói của mình đây rồi!”.

Biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng Cơ Tu trong một buổi làm chương trình. Ảnh: ALĂNG DUY
Biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng Cơ Tu trong một buổi làm chương trình. Ảnh: ALĂNG DUY

Nhà báo Phan Thanh Hằng - Trưởng phòng Phát thanh tiếng dân tộc (Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực miền Trung) không giấu được niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi về “cánh sóng” chương trình tiếng Cơ Tu trở thành hiện thực. Bởi theo anh, vào thời điểm năm 2009, Cơ quan thường trú khu vực miền Trung là đơn vị duy nhất thuộc khối các cơ quan thường trú trong cả nước của Đài TNVN không sản xuất chương trình phát thanh, mà chỉ sản xuất tin, bài rồi gửi ra Hà Nội. “Anh Nguyễn Chu Nhạc - khi đó là Giám đốc cơ quan hỏi: các cậu có làm được chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu không? Tôi gật đầu hứa ngay vì thấy rất hứng thú. Sau đó, anh Nhạc đã quyết tâm chỉ đạo thực hiện dù kinh phí đầu tư, thiết bị phòng thu cho chương trình tiếng Cơ Tu chưa có gì cả” - anh Hằng kể. Là chương trình phát thanh tiếng DTTS thứ 12 của Đài TNVN và cũng là chương trình phát thanh DTTS đầu tiên ở khu vực miền Trung, nên những ngày đầu thực hiện đã gặp không ít khó khăn. Đó là chưa kể đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn thiếu, kinh nghiệm chưa nhiều trong việc thực hiện chương trình. “Sau khi đi học hỏi ở chương trình tiếng DTTS của các cơ quan thường trú bạn, tôi nghĩ miền Trung sẽ làm được. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là các em biên dịch, phát thanh viên Cơ Tu mới được tuyển dụng, chưa quen với công việc. Rất may sau gần 3 tháng đào tạo cấp tốc, các em đã đáp ứng được công việc. Từ chỗ dự kiến một tuần sản xuất 3 chương trình, chúng tôi đã sản xuất mỗi ngày một chương trình ngay từ ngày đầu phát sóng. Được lãnh đạo Đài TNVN, lãnh đạo cơ quan quan tâm, vừa làm vừa học, vừa tự đào tạo, đến nay toàn bộ biên dịch, phát thanh viên đã hoàn toàn đảm nhận được việc viết tin bài, biên soạn bản tin, tiết mục, chương trình. Đó là một bước tiến rất dài với cả một quá trình nỗ lực của tập thể Phòng tiếng DTTS cơ quan thường trú miền Trung” - anh Hằng cho biết thêm.

Phóng viên chương trình tiếng Cơ Tu tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: ALĂNG DUY
Phóng viên chương trình tiếng Cơ Tu tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: ALĂNG DUY

Gần hơn với đồng bào miền núi

Nhà báo Lê Hải Sơn - Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực miền Trung cho biết, sau nhiều năm thực hiện, chương trình tiếng Cơ Tu đã trở nên thân thuộc với đồng bào Cơ Tu trên địa bàn các tỉnh miền Trung. “Chúng tôi cũng tự hào khi có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên là người Cơ Tu, thường xuyên bám sát với đồng bào, với cuộc sống vùng cao và đưa chương trình trở thành kênh thông tin độc đáo dành riêng cho đồng bào. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao, mở rộng nội dung chương trình để làm sao gần hơn, sát hơn với đồng bào Cơ Tu trong khu vực” - ông Sơn nói.

Trên không gian Nhà làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang (xã A Tiêng), chương trình tiếng Cơ Tu vẫn đều đặn vang vọng trên sóng của Đài TNVN vào mỗi sớm mai. Những câu chuyện về cuộc sống đời thường, điển hình trong phát triển kinh tế, hay các tiết mục tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, thông qua các chuyên mục “Cùng nhau bàn cách làm ăn”, “Thầy thuốc của buôn làng”, “Câu chuyện dưới mái gươl”… lâu nay đã trở thành “món ăn tinh thần” cho đồng bào miền núi. Già làng Clâu Troi, ở thôn Pơ’rning (xã Lăng, Tây Giang) cho hay, ông vẫn giữ thói quen hàng ngày mang radio cùng lên rẫy để nghe chương trình. Ông ưng ý với khá nhiều chương trình của nhà đài, coi đó như người bạn đồng hành với ông trên suốt chặng đường mưu sinh đầy nắng gió. “Không chỉ bày cách làm ăn, nói chuyện thời sự, chương trình còn có cả nói lý - hát lý và giao lưu với bạn nghe đài bằng tiếng Cơ Tu. Nghe sướng cái tai, ấm cái bụng lắm!” - già Troi bộc bạch.

Mới đây, tại Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XII - năm 2016, với tác phẩm “Câu hát tình đời”, chương trình tiếng Cơ Tu lần đầu tiên đoạt Huy chương Vàng toàn quốc và cũng là chương trình tiếng DTTS của Đài TNVN đứng ở bục cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, đơn vị cũng liên tục đoạt giải Nhất tại Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm 2010 - 2011 và Huy chương Bạc tại Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ IX, năm 2010.

Từ việc nghe đài, đồng bào đã cùng nhau học cách làm ăn, xây dựng đời sống văn hóa và ngày càng có nhiều tấm gương vượt khó, xung kích vì cộng đồng, cùng giữ gìn bản sắc truyền thống tại buôn làng mình.Nhiều chuyên mục của đài đã kết nối và khơi gợi tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào DTTS ở các vùng miền, chung sức xây dựng quê hương, đất nước. Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang từng chia sẻ, với hơn 90% dân số là đồng bào Cơ Tu sinh sống, chương trình tiếng Cơ Tu vì thế luôn được cộng đồng quan tâm, ủng hộ. Nhiều năm trước, trong các trận mưa lũ kéo dài, khi đường sá bị sạt lở, cô lập, điện cúp thường xuyên,… chương trình tiếng Cơ Tu của Đài TNVN trở thành nguồn thông tin bổ ích giúp đồng bào và chính quyền địa phương nắm bắt tình hình, diễn biến của mưa bão, tìm cách ứng phó.

Yêu đài, yêu chương trình, rất nhiều đồng bào “yêu” luôn các phát thanh viên tiếng Cơ Tu của mình. Đó là cách mà nhà báo Phan Thanh Hằng nói vui về sự tương tác giữa những người làm chương trình với khán, thính giả đồng bào Cơ Tu. Vì thế, mỗi dịp lên vùng cao tác nghiệp, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng Cơ Tu được đồng bào miền núi “ưu tiên” rất nhiều. Những lời động viên, chia sẻ và góp ý chân thành của đồng bào luôn là nguồn động lực lớn để những người làm chương trình làm tốt hơn công việc của mình. Nói như Alăng Lợi thì, vinh dự lớn nhất của chị là mỗi lần được ngồi trước phòng thu để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào bằng chính tiếng nói của dân tộc mình. “Tự hào lắm khi mình là cầu nối giữa đồng bào với Đảng, khi chính mình viết và nói về đồng bào mình và chính mình nghe đồng bào mình nói trên đài” - nữ phát thanh viên Alăng Lợi chia sẻ.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng Cơ Tu trên sóng quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO