Họ không bao giờ cô đơn. Những đôi chân ấy đi qua miền gió núi, như thể cả cuộc đời của mình là rong chơi. Họ chơi thứ nhạc cụ của dân tộc mình, hát thứ tiếng của mình, cứ vui là ghé lại và trình diễn. Bao đêm vui say bên ché rượu, tài năng nghệ sĩ như một thứ hương hoa dâng cho làng, dâng trời, không có điểm bắt đầu và không biết khi nào kết thúc...
1. Gió núi xào xạc khắp triền Ngọc Linh. Tôi ghé lại nóc Măng Tó (Trà Cang, Nam Trà My), tìm ông Hồ Văn Thập, người chơi đàn kỳ lạ trên “nóc nhà Đông Dương”. Căn nhà nhỏ nằm bên triền đồi cỏ xanh, khói un lên từ căn bếp nhà sàn. Lũ trẻ với đôi mắt đen láy nhìn người lạ, rồi vụt chạy đi.
Ông Thập ở nhà, cùng với 4 đứa con. Ba bà vợ, một người đã bỏ đi, hai người sau không may bạo bệnh, hóa thân vào mây trắng. Những đứa con của trời, tự lớn lên, hít lấy mùi rừng căng tràn trong ngực, sống bằng thứ dinh dưỡng lớn nhất là tình yêu của người cha già khắc khổ và những bài hát...
Gia tài của ông Hồ Văn Thập là một bộ đàn đá, một chiếc đàn khác từ những ống tre nối với nhau bằng sợi mây như kiểu đàn “tơ rưng” của người Tây Nguyên. Bao đêm buồn, ông ngồi hát với cây đàn đá, với chiếc đàn bằng ống nứa mà ông buộc một đầu vào chân, một đầu treo lên ô cửa.
Thanh âm kỳ lạ từ những cây đàn, khi dồn dập, mạnh mẽ, khi trầm buồn, tự sự. Bản giao hưởng cô đơn của ông già thoát ra từ căn nhà nhỏ, gói bằng những xúc cảm của thời tuổi trẻ, bằng nỗi nhớ nhung, bằng ký ức rong chơi qua bao miền mây trắng.
Người nghệ sĩ già ấy không hát một bài hát nào cố định, không một giai điệu nào lặp lại, ông chơi nhạc bằng ngẫu hứng cảm xúc của riêng mình và không cần nhớ đến chúng. Bản giao hưởng ấy, được ký âm bằng trái tim, bằng đôi tai kỳ diệu, bằng gió rừng, suối và đá Ngọc Linh.
Ký ức nhọc nhằn của tuổi thơ nơi cánh rẫy được ông Thập tái hiện bằng thanh âm của đá. Ngày nhỏ, lang thang cùng cha lên rẫy, ông Thập nhớ cha mình gắn những chiếc “bẫy âm thanh” dọa chim rừng bằng lồ ô và đá, lợi dụng sức nước để kéo dây, tạo tiếng động.
Đôi tai thẩm âm trời phú giúp ông chọn lựa được từng viên đá, để rồi tạo thành bộ đàn đá cho riêng mình với 12 viên lớn nhỏ, được chọn lựa, mài gọt và gõ thử cho đúng nốt. Đá ở suối, ở rẫy, ở ven đường, ông gặp, gõ thử, mang về mài giũa, rồi lại bỏ, lại tiếp tục tìm.
Cứ thế ròng rã nhiều năm tháng, với thôi thúc của đam mê, ông Thập tìm được bộ đàn đá tự nhiên, riêng và duy nhất của người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh. Một bộ đàn đá tự nhiên bằng đôi tai cảm âm của ông già, không có nốt thăng, nốt giáng rõ ràng, chủ yếu theo hợp âm trưởng - hợp âm chính trong giai điệu của người vùng cao. Bên bếp lửa, ông đánh đàn, uống rượu, thứ rượu cần ngọt lịm đã cất giữ mấy mùa trăng, khề khà những buồn vui cuộc đời.
“Thằng này, mẹ nó mất từ khi nó 5 tháng tuổi. Tôi giã mía, vắt lấy nước nấu nuôi nó, mà giờ nó đã lớn thế này. Không có mấy đứa này, không có cây đàn này, thì buồn lắm” - ông chỉ vào thằng con lớn, kể.
Người nghệ sĩ tài hoa ấy nói có lần lặn lội về Hội An để làm một cây đàn nước cho khu resort, vậy mà người ta chỉ trả khoản tiền công bèo bọt. Vậy là ông về, chơi đàn và hát cho Măng Tó này, cho Ngọc Linh, hát để sống những ngày còn lại...
2. Tôi có cơ may gặp được rất nhiều nghệ sĩ của làng, như ông Thập. Hình như, ở họ có một điểm chung, là sống cuộc đời rong chơi, thanh thản và mê đắm với thứ âm nhạc diệu kỳ của rừng. Xanh xa khu 7, bên làng Voòng (xã Tr’Hy, Tây Giang), tôi gặp già Clâu Blao, một bảo tàng sống diệu kỳ của tộc người Cơ Tu.
Đang cuộc rượu, ông với lấy cây đàn, và hát. Một bản tình ca về câu chuyện lứa đôi. Rồi ông hát về đồng đội ông thuở còn ở rừng, hát về con đường muối... Cây đàn chỉ có hai dây, ngân lên giữa căn nhà sàn, với khói bếp và men rượu.
Tôi cứ có cảm tưởng những cuộc rượu ấy, người đối diện không hát cho mình. Những nghệ sĩ của làng, đời sống của họ thuộc về “phần hồn” của cộng đồng, của rừng núi, và thần linh. Họ sinh ra để nói chuyện với thần linh.
Lời hát, bức tượng, tiếng đàn của họ không đơn thuần là câu chuyện giãi bày cá nhân, hay ca hát phục vụ đời sống tinh thần thù tạc. Không đơn thuần là vậy. Hãy nhìn những tượng nhà mồ, được họ tạc trong một cơn xuất thần, rồi bỏ mặc cho mưa nắng và quên đi, vì nó thuộc về trời đất. Họ không có bản quyền cho những sáng tạo của mình, và không cần bản quyền vì đây là cuộc chơi, cuộc chơi thuộc về tâm linh.
Rất ít người miền núi thực sự đi đòi “bản quyền”, vì họ xem đó như trò chơi, nó đã sản sinh ra và không thuộc về họ nữa. Họ như một vật chuyển tiếp thông điệp lời của trời đất qua con người nào đó, cho ngôi làng nào đó, tộc họ nào đó. Và xong, trả về với đất trời vì đó là sản phẩm của trời. Đó là khác biệt trong sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật của họ.
Lớp trẻ có thể tìm cách để lưu lại những lời hát, những giai điệu, sáng tạo ấy, nhưng hãy nhìn xem, họ hát như buông tuồng, uống rượu, hát, và rời đi. Những tán thưởng chỉ là tiếng cười đáp ứng vui vẻ và lời cảm ơn. Nhưng những đáp ứng đó không ám ảnh họ. Nó chỉ như suối, như rừng, như cây.
Hãy để ý, họ hát như một niềm say mê, họ sống và lạc ở đâu đó trong một cuộc giao tiếp với thần linh, đám đông không có nghĩa vì họ không tìm danh ở đó. Họ hát cho trời đất, như suối nguồn, cứ thế chảy tuôn mạch rừng giữa những xanh xa, nơi thượng nguồn bí ẩn...
3. Tôi gặp Zơrâm Danh, cháu ngoại của cụ Clâu Nâm - một “người của trời”, đã về trời từ nhiều năm trước. Danh yêu ca hát. Bạn trẻ người Cơ Tu ấy bước ra khỏi ngôi làng hình cánh cung của mình, đi TP.Hồ Chí Minh, theo học Đại học Văn hóa và bắt đầu viết ước mơ của mình: làm ca sĩ.
Cánh chim Kalang của đại ngàn bay đi xa, nhưng rồi, như một mặc định của rừng: anh quay về với làng, viết và hát về chính đồng bào mình, về gươl, về những bước chân thiếu nữ trong đêm hội với điệu da dá dâng trời.
Rất lạ, là ngồi với Danh bên căn bếp nhỏ nơi làng, tôi lại thấy một hình hài nghệ sĩ vùng cao trong lời hát. Không thể bắt lớp trẻ ở lại mãi trong làng, cánh chim Kalang khi đã lớn, đều muốn bay xa. Nhưng đi là để trở về. Cuộc đi ấy, Danh mang niềm tự hào dòng máu Cơ Tu của mình trong huyết quản, để những sáng tác đến với một thế giới rộng lớn hơn.
Và chính niềm tự hào ấy xác quyết cái tên của chàng trai trẻ, trong đời sống âm nhạc, được đông đảo công chúng đón nhận. “Mừng gươl mới”, “Đôi mắt Cơ Tu”, “Tiếng gà gáy”..., những sáng tác của Danh mang đậm âm hưởng của làng, của dân tộc mình, vẫn với sự mê đắm và sáng tạo của một nghệ sĩ sinh ra từ làng, nơi anh từng sống.
“Mình yêu văn hóa của dân tộc mình. Bước ra ngoài đời sống, mình biết đó sẽ là thứ bản sắc cho âm nhạc mình, thứ phát xuất từ tình yêu và sự tôn thờ của mình với dòng máu, với rừng, với quê hương xứ sở. Mình viết, và hát, bằng tình yêu không mất mát, không phai mờ, không bao giờ trộn lẫn ấy” - Danh nói.
Những mất mát mơ hồ đã và sẽ đến, khi quá nhiều va chạm, xô dạt và biến thiên của thời cuộc vẫn không ngừng vây lấy đời sống vùng cao. Nhưng những nghệ sĩ của rừng vẫn đang hát. Họ hát cho cuộc rong chơi của mình với nghệ thuật và văn hóa, như mây trời bay đi thong dong, phía xa xanh...